Nhờ có những thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương trong hơn 8 năm kháng chiến gian khổ, sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Pháp, lực lượng của Mặt trận dân chủ hòa bình thế giới do Liên Xô lãnh đạo lớn mạnh không ngừng, nên tại Hội nghị Béclin họp tháng 2 năm nay, các đế quốc Mỹ, Anh, Pháp phải nhận triệu tập Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề thống nhất Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thế bất đắc dĩ, đế quốc Mỹ phải dự Hội nghị nhưng chúng hoạt động gắt gao để cản trở và phá Hội nghị.

Tên Níchxơn, Phó Tổng thống Mỹ, tuyên bố không thể đàm phán với ta được. Tờ báo Mỹ Din đàn Nu Ước ngày 2-3 trâng tráo nói rằng: Không thể điều đình ở Đông Dương như ở Triều Tiên được, Việt Nam chỉ là một phong trào phiến loạn (!). Phải dập tắt phong trào ấy... Các giới ở Mỹ rất bi quan về Hội nghị Giơnevơ sắp tới... Đế quốc Mỹ cưỡng bức thực dân Pháp phải kéo dài chiến tranh, phải tung nhiều thanh niên Pháp đi làm bia đỡ đạn cho Mỹ hưởng lợi. Đế quốc Mỹ giao súng tận tay cho thực dân Pháp, và thúc thực dân Pháp phải tiếp tục đánh, không được hòa. Tên Rátpho, Tổng tham mưu trưởng của đế quốc Mỹ, ngày 1-3 nói trắng ra rằng: “Chúng tôi cung cấp vũ khí và viện trợ kỹ thuật cho người Pháp với hy vọng là họ mở rộng chiến tranh để chiến thắng những lực lượng quân sự của Hồ Chí Minh”.

Đầu tháng 4, Đalét vận động thực dân Anh và thực dân Pháp cùng các nước phe Mỹ đi tới “một hành động chung” để can thiệp trắng trợn hơn nữa vào Đông Dương, cứu nguy cho thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ và chuẩn bị xâm lược Trung Quốc. Cuộc vận động của Đalét thất bại vì các nước phe Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn nội bộ.

Về thành phần tham gia Hội nghị Giơnevơ, đế quốc Mỹ và tay sai của chúng là những giới hiếu chiến Pháp Lanien, Biđôn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên chúng khăng khăng không chịu mời Chính phủ ta tham gia Hội nghị. Chúng chỉ mời các chính phủ bù nhìn tay sai của chúng. Thái độ ngoan cố và cực kỳ vô lý ấy bị các đoàn đại biểu Liên Xô, Trung Quốc, nhân dân và Chính phủ ta cùng nhân dân thế giới kịch liệt phản đối, nên cuối cùng chúng phải miễn cưỡng đồng ý mời ta tới dự. Vả lại trước những thất bại đau đớn về quân sự nếu không bàn với đại biểu Chính phủ ta thì không sao giải quyết vấn đề gì về vấn đề Đông Dương được. Phá bĩnh không được, Đalét hậm hực bỏ ra về, chỉ tên Smít, một tên giữ vai trò thứ yếu ở lại.

Vượt bao nhiêu cản trở do đế quốc Mỹ và tay sai gây nên, ngày 8-5 (một ngày sau khi ta thắng to ở Điện Biên Phủ), Hội nghị Giơnevơ đã khai mạc. Đó là một thất bại lớn lắm của đế quốc Mỹ về mặt chính trị.

Từ khi Hội nghị Giơnevơ khai mạc đến khi Hội nghị Giơnevơ bế mạc, đế quốc Mỹ không lúc nào ngừng phá hoại. Đế quốc Mỹ và bọn thực dân hiếu chiến Pháp do Biđôn đại diện và bọn bù nhìn đưa ra những điều kiện hết sức vô lý. Chúng biết không khi nào ta thèm đếm xỉa đến những điều kiện ấy nhưng vẫn cứ sống sượng đưa chầy ra cốt để phá đám.

Thỉnh thoảng, Smít lại cáo “đau bụng” không họp. Nhiều lần hắn đã cùng Hội nghị thỏa thuận về một số biện pháp nhưng chỉ một buổi sau hắn lại lật lọng. Thí dụ như trong phiên họp ngày 16-6, Smít đã thỏa thuận với toàn thể Hội nghị về những biện pháp để giải quyết vấn đề Cao Miên, Lào. Smít tỏ vẻ hoan nghênh đề nghị của đoàn đại biểu Trung Quốc. Hôm sau, Hội nghị bàn tiếp, Smít bỏ đi chơi, tên thay mặt Smít đến cãi chầy cãi cối cho hết giờ.

Hội nghị càng gần đến thắng lợi cuối cùng, đế quốc Mỹ càng ráo riết phá. Đêm 20 tháng 7 đáng lẽ các hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Cao Miên và Lào cũng được ký một lúc nhưng đế quốc Mỹ đã giật dây đại biểu Chính phủ nhà vua Cao Miên cố phá đám.

Do sự đấu tranh kiên quyết của đoàn đại biểu ta và các đoàn đại biểu Liên Xô, Trung Quốc, do áp lực của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, Hiệp định đình chiến ở Cao Miên đến 11 giờ ngày 21 thì ký được.

Đế quốc Mỹ phá Hội nghị Giơnevơ rất tợn nhưng cuối cùng Hội nghị vẫn thành công. Trong quá trình Hội nghị, đế quốc Mỹ đi từ thất bại này đến thất bại khác. Chính phủ Biđôn, Lanien, tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ, bị lật đổ, là một đòn nặng đánh vào đầu đế quốc Mỹ.

Thành công của Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới.

Thành công của Hội nghị Giơnevơ chứng tỏ rằng dù đế quốc Mỹ ngoan cố nham hiểm đến đâu nhưng nhân dân Đông Dương và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới có đầy đủ lực lượng và mưu trí để đánh bại chúng.

T.L.

---------

- Báo Nhân Dân, số 295, ngày 21-12-1954, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.193-195.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.