Dạo này, có những đoàn đại biểu anh em trí thức và bà con công thương đi xuống xã xem cải cách ruộng đất. Đó là việc rất hay, nó làm cho các tầng lớp khác thông cảm với nông dân. Do thông cảm mà ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân, ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề ruộng đất.

“Trăm lần tai nghe không bằng một lần mắt thấy”. Đi xem cải cách ruộng đất về, nhiều bà con đã phát biểu ý kiến rất thống thiết. Vài thí dụ:

Ông Dương Hữu Bằng, công chức ở Hà Nội, nói: “Trước kia, tôi đã nhận thấy tội ác của địa chủ là bóc lột, đánh đập nông dân. Nhưng việc địa chủ giết người, thì tôi không tin là có thật... Nhưng sau khi dự phiên tòa, thì tôi thấy rõ giai cấp địa chủ đã phạm những tội giết người một cách dã man ghê tởm, và những âm mưu che giấu tội ác của chúng”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hanh nói: “Nếu ai có dịp dự buổi kiểm thảo chi bộ Đảng Lao động thì sẽ sửng sốt về phương pháp khoa học để loại những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Đảng chỉ giữ lại những người trong sạch, được nhân dân tin tưởng và kính mến... Dưới chế độ phong kiến địa chủ, nông dân có người 2 ngày chỉ được ăn một bữa; ở thì chui rúc trong túp lều sụp đổ như cái chuồng lợn... Ngoài ra, nông dân còn bị địa chủ đánh đập, giết chết một cách rất dã man. Đánh đổ giai cấp địa chủ là một việc rất cần thiết”.

Trong cuộc giảm tô ở 65 xã Nam Thái Bình vừa rồi, nông dân phát giác bọn địa chủ đã đánh 1.256 người chết và 987 người nay còn thương tật.

Địa chủ Ái đã đánh chết 57 người. Trong hai năm 1950 - 1952, địa chủ Ngọc cùng tay sai của nó đã chôn sống 70 người, trong đó có một phụ nữ có mang sắp đẻ.

Cách bóc lột tàn nhẫn: anh Tam và anh Bình vay của tên Tân 20 thùng thóc. Trong 10 năm đã trả 180 thùng và gán 1 mẫu ruộng cho nó, mà vẫn chưa hết nợ.

Bọn địa chủ đã chiếm đoạt của nông dân 2.373 mẫu ruộng, 201 con trâu, bò. Đốt của nông dân 1.251 nóc nhà; hiếp dâm và đánh trụy thai 761 phụ nữ.

Thật là “Thiên thời địa đất, bọn chủ đất tội ác tày trời”.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 574, ngày 28-9-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.