Ai cũng biết rằng, Diệm là bù nhìn của Mỹ. Vì vậy, báo chí tư sản Mỹ thường ủng hộ Diệm. Nhưng có khi báo chí Mỹ cũng không che giấu được sự thật. Như hôm 7-2-1956, hãng thông tin Mỹ U.P. đã phải nhận rằng:

“Miền Nam có phong trào chống Diệm… Đối với nông dân miền Nam thì Diệm chỉ là một kẻ xa lạ, mà tên tuổi y thì gắn liền với nạn đói nghèo… Các phái chính trị đã tập hợp nhau trong “mặt trận thống nhất”, kiên quyết chống Diệm. Những người chống Diệm coi y như một kẻ leo dây[1], nhờ Mỹ mà đứng vững, nhưng chỉ đẩy một chút thì Diệm ngã lăn…”.

Hãng U.P. cũng nhận rằng: “Đối với nhân dân miền Nam, ảnh hưởng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất lớn, vì mọi người đều cho rằng Chính phủ ấy đã lãnh đạo kháng chiến thắng lợi, đánh đuổi thực dân”.

Vì cho Diệm là một tín đồ ngoan đạo, báo Thánh giá của công giáo Pháp trước đây cũng luôn luôn ca tụng Diệm. Nhưng gần đây, báo ấy phải đổi giọng. Cũng hôm 7-2, báo Thánh giá viết:

“Quân đội Diệm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở miền Đông và ở Đồng Tháp Mười. Nhiều binh sĩ chết, bị thương và bỏ trốn. Song người ta giấu kín những việc đó, vì sợ dư luận hoang mang.

Ở các thành thị, thất nghiệp ngày càng nhiều. Ở những vùng ruộng đất phì nhiêu, thì vì tình hình hỗn loạn mà không thực hiện được cái gọi là “cải cách điền địa”. Việc này, hứa đã lâu, mà phải hoãn lại mãi.

Trước kia, miền Nam mỗi năm bán ra nước ngoài 150 vạn tấn gạo, mà ngày nay lại phải mua vào 30.000 tấn.

Việc buôn bán cũng tiêu điều (Năm ngoái, miền Nam mua của các nước 8.000 triệu đồng, mà bán ra nước ngoài chỉ có 2.000 triệu đồng). Đồng tiền miền Nam cũng rất bấp bênh, vì không có vàng bạc, cũng không có của nổi hoặc của chìm (hầm mỏ) đảm bảo.

Có thể một ngày kia, Diệm sẽ bị lật đổ”.

Báo Thế giới (22-12-1955) viết: “Cách Sài Gòn mấy cây số thì chính quyền của Diệm đã lu mờ rồi”.

Báo Nước Pháp người xem xét (15-12-1955) viết:

“Chính sách khủng bố của Diệm là thủ đoạn tàn nhẫn của một kẻ hèn. Đại đa số nhân dân miền Nam chống Diệm. Về quân sự, Diệm chỉ nắm được 1 phần 3 miền Nam. Cuộc “trưng cầu dân ý” gian dối của Diệm không có giá trị gì hết. Diệm phải cút đi...”.

Trước tình hình bấp bênh của Diệm, và trước sự phấn đấu anh dũng của đồng bào Bắc và Nam, chúng ta ra sức tuyên truyền rộng khắp và thực hiện đầy đủ cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc, thì:

Hề Ngô Đình Diệm leo dây,
Có ngày dây đứt, có ngày hề ngã lăn.

C.B.

---------

[1] “Leo dây” là đi trên một sợi dây căng thẳng trên hai cái cọc.

Báo Nhân Dân, số 718, ngày 20-2-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.