Cháu Xuân Oanh yêu quý,

Chú nhận được thư của cháu rồi. Cháu nói đúng. Sự thật đã nói rõ: Đế quốc Hoa Kỳ càng đánh càng thua. Quân và dân miền Nam càng đánh càng thắng.

- Đầu năm 1963, ở Ấp Bắc, 200 du kích anh dũng đã đánh tan 2.000 địch, tiêu diệt 500 ngụy binh và 10 tên Mỹ xâm lược, bắn rơi và bắn hỏng 15 máy bay địch. Từ đó, quân và dân miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mỹ và tay sai thì không ngừng sa lầy. Vài con số sau này chứng tỏ điều đó:

1963

1964

Số địch bị loại khỏi vòng chiến đấu


167.000 tên


230.000 tên

Số Mỹ bị tiêu diệt

982 tên

2.111 tên

Vũ khí du kích thu được

hơn 13.000 súng

17.569 súng các loại

Mấy điểm nữa đáng chú ý là: Quân du kích thường nắm chủ động. Số binh sĩ ngụy về với nhân dân và đào ngũ nhiều hơn một nửa số ngụy quân bị tiêu diệt, nghĩa là quân đội ngụy ngày càng giác ngộ, không chịu chết thay cho Mỹ và tay sai.

Trong hai năm qua, du kích đã tiêu diệt những đội biệt kích khét tiếng hung ác, như các đội "Ó đen", "Ó đỏ", "Cọp vàng", "Cọp đen", v.v.. Họ đã thắng nhiều trận lẫy lừng. Như trận Bến Súc, địch đã dùng đến 15 tiểu đoàn và 115 máy bay. Nhưng kết quả thì các báo Mỹ đã phải nhận rằng Mỹ và bù nhìn đã bị "một trận thất bại to nhất trong cuộc chiến tranh này". Như trận đánh trường bay Biên Hòa, du kích đã phá hủy 59 máy bay, đốt cháy nhiều kho tàng, ngót 300 tên Mỹ chết và bị thương.

Chỉ trong mười tháng đầu năm 1964, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt của địch 488 trung đội, 63 đại đội, 13 tiểu đoàn. Trong tháng 12-1964, thắng lợi càng dồn dập. Ngoài cuộc làm nổ tung khách sạn to của sĩ quan cao cấp Mỹ, ngay giữa Sài Gòn, làm hai tên Mỹ chết và 52 tên bị thương; ở các địa phương, du kích đã đánh thắng nhiều trận lớn. Vài thí dụ:

Trận An Lão, hơn 650 tên địch (5 sĩ quan Mỹ) bị tiêu diệt. Báo Mỹ gọi đó là một "Điện Biên Phủ nhỏ".

Trận Tam Kỳ, hơn 280 địch (2 tên Mỹ) bị tiêu diệt.

Trận Long Mỹ, 360 địch (10 tên Mỹ) bị tiêu diệt. Và nhiều trận thắng khác.

- Để kết thúc năm 1964 vẻ vang và mở màn cho năm 1965 thắng lợi nhiều hơn nữa và to hơn nữa, quân và dân miền Nam đã giáng cho địch những đòn sấm sét ở trận Bình Giã. Địch đã huy động 5 tiểu đoàn và hơn 100 máy bay. Trong mấy hôm đầu, chúng đã giội 10 vạn quả đạn, 400 tên lửa và hàng trăm quả bom... Sau năm ngày đêm chiến đấu, du kích đã tiêu diệt 500 ngụy và 18 Mỹ, bắn rơi và bắn hỏng 35 máy bay. Hãng Mỹ AP đã viết rằng: Bình Giã là một trận mà Mỹ - Khánh "bị đánh đau nhất trong lịch sử chiến tranh ở Nam Việt Nam".

*

*    *

Thắng lợi to của quân và dân miền Nam và thất bại to của Mỹ - Khánh, đã làm cho báo chí Anh, Mỹ hết sức bi quan. Các báo Anh viết: "Rõ ràng là chính quyền miền Nam của Mỹ đang đi đến sụp đổ hoàn toàn" (Thời báo). "Không bao giờ Mỹ thấy rõ thất bại của họ ở miền Nam Việt Nam như trong mấy ngày qua" (báo Người bảo vệ).

Báo chí Mỹ viết: "Đối với vấn đề Nam Việt Nam, người Mỹ chỉ thấy con đường xuống dốc" (UPI). "Mỹ chắc chắn sẽ gặp những thất bại to nhất trong lịch sử nước Mỹ" (Luận đàm Nữu Ước). "Lý luận Mỹ đưa ra để thanh minh cho sự can thiệp của họ vào Campuchia, Lào và Việt Nam là như con cá, ngoài thì tươi tắn, nhưng ngửi thì thối om" (Tin điện thế giới và Mặt trời Nữu Ước). "Những cố gắng của Mỹ ở Nam Việt Nam chỉ là vô ích, như dựng đứng một cái bao tải rỗng tuếch" (Bưu điện Hoa Thịnh Đốn). "Tình hình Mỹ ở miền Nam hiện nay cũng giống như tình hình Pháp trước ngày Điện Biên Phủ" (Luận đàm Nữu Ước).

Tình hình đó làm cho ngày càng nhiều người Mỹ chống chiến tranh. Trước kia là những nhóm lãnh đạo tôn giáo và nhân sĩ tiến bộ. Hiện nay, đã có thêm những đoàn thể công nhân, phụ nữ, thanh niên, học sinh chống chiến tranh. Hồi 19 tháng Chạp năm ngoái, quần chúng của tám thành phố to ở Mỹ, như Nữu Ước, Sicagô, Bôxtơn, v.v. đã tổ chức biểu tình. Họ đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ phải rút ngay về nước.

Trong giới cầm quyền Mỹ cũng ngày càng nhiều thượng nghị sĩ kịch liệt chống chiến tranh. Ví dụ: Hôm 27-11-1964, Thượng nghị sĩ Moxơ đòi cách chức Taylo, vì y là "kẻ chủ yếu gây chiến, đã tuyên truyền và ủng hộ kế hoạch mở rộng chiến tranh ở Đông Nam Á và y đã câu kết với lũ bù nhìn của Mỹ ở Nam Việt Nam...".

Tình thế của đế quốc Mỹ vừa bi lại vừa bí. Hôm 27-11-1964, báo Luận đàm Nữu Ước thở than rằng: "Cộng sản Bắc Việt đang chờ đợi một ngày mà Mỹ sẽ rút khỏi miền Nam, nhưng cộng sản không cho Mỹ một nhịp cầu vàng để họ rút lui...". Ý nói là để Mỹ rút lui mà khỏi mất mặt.

Trước kia thực dân Pháp cút khỏi Đông Dương và Angiêri, bản thân Mỹ cút khỏi Trung Quốc và Triều Tiên đều không có "nhịp cầu vàng". Ngày nay, nếu nhận biết chiến tranh xâm lược là tội ác, mà Mỹ hối hận và rút khỏi miền Nam, không chờ một Điện Biên Phủ mới, thì mặt Mỹ vẫn còn, không mất đi đâu!

Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến đến hòa bình thống nhất Tổ quốc. Mỹ chấm dứt ngay chiến tranh, để nhân dân Việt Nam thực hiện Hiệp nghị Giơnevơ, thế cũng là "nhịp cầu vàng" cho Mỹ rút lui mà không mất mặt.

Thôi, thư này dài rồi! Năm mới, chúc cháu ra sức thi đua "một người làm việc bằng hai", học tập tốt, lao động tốt, xứng đáng với thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng!

Chú hôn cháu

CHIẾN SĨ

---------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3934, ngày 7-1-1965, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.447-450.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.