Ba chữ Điện Biên Phủ đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam ta lừng lẫy khắp năm châu.

Cuối năm 1946, thực dân Pháp hòng đặt ách nô lệ lên vai nhân dân ta một lần nữa. Chúng cố gây ra chiến tranh.

Trước tình hình ấy, nhân dân ta chỉ có thể chọn một con đường: Hoặc nhượng bộ cho địch để rồi làm thân trâu ngựa; đó là con đường dễ dàng, như lăn xuống dốc. Hoặc quyết tâm kháng chiến để giữ lấy độc lập, tự do; con đường này rất gian khổ, như trèo núi cao. Nhân dân ta đã chọn con đường khó, và quyết tâm kháng chiến.

Đánh giặc, trước hết phải có vũ khí, mà vũ khí đầu tiên của ta là gậy tầm vông. Ta dùng gậy tầm vông để chống lại máy bay, xe tăng, đại bác và tàu chiến của Pháp, Mỹ. Chúng ta đều nhớ rằng ngay trong thời kỳ kháng chiến, đế quốc Mỹ đã ra sức giúp thực dân Pháp để kéo dài chiến tranh.

Mặc dù thiếu thốn mọi bề, khó khăn đủ thứ, nhưng toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam đã tin tưởng nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, đoàn kết một lòng, kháng chiến cứu nước.

Đảng nói: “Kháng chiến phải trường kỳ gian khổ, song nhất định thắng lợi”. Kết quả là lời nói của Đảng đã thực hiện, nhân dân ta đã thắng, thực dân Pháp đã thua.

Từ ngày 19-12-1946 đến 7-5-1954, bộ đội và du kích ta đã đánh quân địch chết và bị thương hơn 466.000 binh sĩ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã tiêu diệt hoặc bắt làm tù binh 16.200 tên địch, trong số đó có một thiếu tướng, 16 quan năm, 353 tên từ quan một đến quan tư và 1.396 hạ sĩ quan.

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị nhân dân một nước thuộc địa đánh cho tan tành tả tơi, và phải cút về nước.

Đồng bào ta luôn luôn nhớ ơn quân đội ta đã dũng cảm chiến đấu để giữ gìn nền độc lập cho Tổ quốc và quyền tự do cho nhân dân.

Trong lúc toàn dân ra sức kháng chiến, thì “chí sĩ Ngô Đình Diệm” ngao du ở nước Hoa Kỳ. Thế mà ngày nay, những người cầm quyền miền Nam dám to mồm nói họ đã đuổi thực dân Pháp và giải phóng đất nước Việt Nam!

Ngoài việc đánh đuổi thực dân, kinh nghiệm kháng chiến thắng lợi nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng, có hai ý nghĩa to lớn:

- Nó đã khuyến khích các nhân dân bị áp bức ở Á - Phi nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân, giành giải phóng dân tộc.

- Nó chứng tỏ rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ ta, và nhân dân ta đoàn kết nhất trí thì khó khăn gì cũng khắc phục được, công việc to lớn mấy cũng làm được. Sự nghiệp cách mạng và kháng chiến như vậy, công cuộc xây dựng nước nhà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội cũng như vậy.

L.T.
-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1516, ngày 7-5-1958, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.397-398.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.