Định diện tích và sản lượng cho thật đúng, là cốt để đồng bào nông dân đóng góp cho công bằng, hợp lý; do đó mà giúp sức vào việc xây dựng nước nhà.

Dưới chế độ cũ, ngoài thuế thân và thuế ruộng nặng nề, nông dân ta còn phải chịu nhiều sự bóc lột khác. Lúc đó nông dân ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để đóng thuế, để làm giàu cho bọn thực dân và phong kiến, mà tự mình và gia đình mình thì suốt đời đói rách lầm than.

Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân. Nhân dân làm chủ nước nhà. Nông dân làm chủ nông thôn.

Ở nông thôn, ngoài lợi ích của nông dân, Đảng và Chính phủ không có lợi ích nào khác.

Lợi ích của nông dân và lợi ích của Nhà nước là nhất trí. Nước mạnh thì dân giàu.

Nước ta là một nước nông nghiệp. Đại đa số nhân dân là nông dân. Để xây dựng nước nhà, một phần lớn lực lượng cũng do nông dân đóng góp. Sự đóng góp của nông dân trở lại phát triển lợi ích của nông dân.

Sau 80 năm bị thực dân Pháp bóc lột dã man, và bị 15 năm chiến tranh tàn phá, nước ta đã lâm vào cảnh rất nghèo nàn. Thế mà chỉ trong hai năm qua, nhân dân và Chính phủ ta đã thu được nhiều thành tích to lớn trong công việc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, như:

Về công nghiệp - Đã xây dựng xong 7 xí nghiệp mới - đang xây dựng 11 xí nghiệp mới - đã củng cố 28 xí nghiệp cũ.

Về nông nghiệp - Chia ruộng đất cho nông dân - khôi phục 155.000 mẫu tây ruộng hoang - hoàn thành 23 hệ thống thủy nông tưới được hơn 126 vạn mẫu tây ruộng - củng cố hơn 3.000 cây số đê - cho nông dân vay 40.743 triệu đồng để tăng gia sản xuất - tiếp tế cho nông dân đồng bằng ngót 4 vạn con trâu bò... Nhờ vậy mà năng suất trung bình của ruộng đất đã vượt mức trước chiến tranh 36%.

Về văn hóa - Hồi còn thực dân Pháp, cả nước Việt Nam ta từ Bắc đến Nam (trong những vùng địch chiếm) chỉ có hơn 54 vạn học trò. Hơn 85% nhân dân là mù chữ.

Ngày nay chỉ ở miền Bắc, chúng ta đã có hơn 83 vạn học trò. Bình dân học vụ thì phát triển khắp nơi.

Trên đây chỉ kể tóm tắt mấy thành tích lớn. Chính phủ ta lấy tiền đâu để làm những công việc đó?

Ngoài sự giúp đỡ hết lòng của các nước anh em (tức là sự đóng góp của nhân dân các nước ấy), một phần là nhờ sự cố gắng của nhân dân ta, phần lớn là nhờ sức lao động của công nhân và thuế nông nghiệp do đồng bào nông dân đóng góp.

Nếu định diện tích và sản lượng không đúng, thì phần đóng góp của nông dân sẽ kém sút, sẽ ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng, đến lợi ích chung của nhân dân và lợi ích riêng của nông dân.

Chính cũng vì lợi ích của nông dân mà việc định diện tích và sản lượng phải làm thật đúng, thật tốt. Làm đúng làm tốt, thì nông thôn sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn, và nông dân sẽ yên tâm, hăng hái tăng gia sản xuất hơn. Muốn làm thật đúng, thật tốt thì phải kiên quyết theo đúng đường lối chung của Đảng và Chính phủ ở nông thôn: Thật thà dựa hẳn vào quần chúng bần cố nông, thật thà đoàn kết với trung nông, thật thà liên hiệp với phú nông, v.v.. Đảng viên, cán bộ và nông dân đoàn kết nhất trí, thì việc định diện tích và sản lượng (cũng như các việc khác) nhất định làm được tốt.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 1089, ngày 1-3-1957, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.516-518.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.