Nói đời sống thì phải nói cả đời sống văn hóa và đời sống vật chất. Dưới thời thực dân Pháp, ở nông thôn hơn 95% người mù chữ. Ngày nay hơn 95% người biết đọc, biết viết. Đó là một thành tích vẻ vang của nhân dân ta mà thế giới đều khen ngợi.
Đời sống vật chất cũng tiến bộ không ngừng. Trước Cách mạng Tháng Tám, phần lớn nông dân lao động không có “miếng đất để cắm dùi”. Ngày nay nông dân đã có ruộng đất, lại còn làm chủ tập thể cả hàng trăm, hàng nghìn mẫu ruộng của hợp tác xã. Đó là một tiến bộ rất to. Nhờ làm ăn tập thể mà đời sống được dần dần cải thiện. Vài thí dụ:
- Đồng bào dân tộc Vân Kiều (khu Vĩnh Linh), trước kia rất cực khổ. Mỗi năm đến 8, 9 tháng đói phải ăn củ rừng. Từ ngày tổ chức thành 13 hợp tác xã, đồng bào đã đủ ăn, mà còn có dư lương thực bán cho Nhà nước.
- Xã Lê Hồng Phong (Hưng Yên) là một nơi ruộng đất xấu, thường bị hạn và úng. Trước cách mạng, hơn 100 gia đình phải bỏ làng “tha phương cầu thực”, 19 gia đình có người chết đói. Trong thời kỳ kháng chiến, làng xóm bị giặc Pháp đốt sạch, phá sạch. Năm 1960 vẫn có hơn 60% gia đình phải mua gạo Nhà nước. Nhờ có hợp tác xã, năm nay bình quân mỗi đầu người đã được hơn 400 cân lương thực, 72% xã viên đã đạt mức hoặc vượt mức sống của trung nông lớp trên. Hơn 30% hộ đã xây được nhà gạch. Trong xã có trường học cấp I và cấp II cho 600 học trò.
- Xóm Mười (Nam Định) là một xóm Công giáo. Trước cách mạng chỉ có 2 nhà xây, 1 sân gạch, 2 mâm đồng, 3 con trâu, đều là của địa chủ. Nông dân đều nghèo xác, nghèo xơ. Hầu hết người trong xóm đều mù chữ.
Cuối năm 1961, nông dân trong xóm đã có 16 nhà xây, 20 nhà gỗ năm gian, 6 sân gạch, 13 con trâu, nhiều nồi đồng, mâm đồng, phích nước... Có 19 tủ đựng quần áo, 11 tủ chè, 75 đôi khuyên vàng, 58 người đang học bổ túc văn hóa, 35 em học cấp I và cấp II.
- 43 hộ đồng bào Công giáo họ Si, xứ Xuân Phong (Nghệ An) đều làm nghề đánh cá, sống bữa đói bữa no. Từ ngày có hợp tác xã, được Chính phủ giúp vốn làm thêm thuyền lưới và cải tiến kỹ thuật. Hiện nay đồng bào đã làm được 8 nhà ngói, 36 nhà gỗ, 60 giếng nước ăn. Bình quân mỗi người có 3 bộ quần áo. Nhà nào cũng có chăn, màn tươm tất. Các em gái đều có khuyên vàng, hoa tai, hoặc chuỗi bạc...
- Anh Vũ Văn Đậu trước kia là dân nghèo, nay là xã viên hợp tác xã Tần Nhẫn (Hưng Yên). Mỗi năm hai vợ chồng ít nhất cũng làm được 250 ngày công. Nuôi được 4 con lợn. Cộng với hoa lợi của 5% đất được để lại, đã đủ ăn đủ mặc (hai vợ chồng và 5 con nhỏ), mà còn dư lương thực bán cho Nhà nước. Anh Đậu đã sửa sang được 4 gian nhà; mua sắm chăn màn, bàn ghế, và 3 đôi hoa tai vàng cho vợ và con, gửi được 200 đồng vào quỹ tiết kiệm. Cần nói thêm rằng trong 93 hộ xã viên thì có 90 hộ mua được hoa tai vàng.
- Bà Nguyễn Thị Món ở hợp tác xã Việt Cường (Phú Thọ), có một con gái học Đại học Bách khoa, 3 con trai đang học Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế - Tài chính và đại học ở nước anh em. Trước cách mạng, có bần nông nào dám mơ tưởng cho con vào trường đại học?
Những thí dụ như trên còn nhiều. Rõ ràng đời sống ở nông thôn ta tiến bộ không ít. Có những kết quả tốt như vậy là do: chi bộ lãnh đạo tốt, đảng viên và đoàn viên thanh niên gương mẫu, ban quản trị các hợp tác xã dân chủ và công bằng, xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ.
T.L.
--------------------------------------
- Báo Nhân Dân, số 3154, ngày 13-11-1962, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.498-500.