“Đây là cái tát đối với Mỹ...”. Các báo Nhật “ca tụng” như vậy những cuộc thất bại dồn dập trong việc Mỹ “chinh phục vũ trụ” vừa rồi.

Tháng 10-1957, quả vệ tinh đầu tiên của Liên Xô bay vút lên trời, rồi bay quanh quả đất. Thiên hạ đều vui mừng. Nhưng cả nước Mỹ thì âu sầu hoảng hốt. Vì bộ máy tuyên truyền của Mỹ luôn luôn rêu rao khoa học kỹ thuật của Liên Xô rất lạc hậu! Đùng một cái, quả vệ tinh Liên Xô làm cho nhân dân Mỹ giật mình tỉnh dậy, và họ nguyền rủa bọn thống trị “các anh là một đàn lừa!”. Còn bọn thống trị thì cứ giương hai mắt ếch.

Hôm 15-1-1962, Hội Khoa học Nhà nước Mỹ đã phải thừa nhận: Mỗi năm “Mỹ đào tạo được 90.000 người khoa học, công trình sư...

Liên Xô đào tạo được 190.000 người. Trong 10 năm sau này, mỗi năm Liên Xô sẽ có 250.000 người khoa học, công trình sư... tức là hơn Mỹ gấp hai lần. Trong số người khoa học kỹ thuật, ở Liên Xô đàn bà chiếm 1 phần 3. Ở Mỹ chỉ 1%...”.

Tháng 9-1959, một tên lửa đặt Quốc huy Liên Xô vào mặt trăng. Bọn đế quốc Mỹ càng thêm bực tức. Vì hễ ngẩng đầu lên trời thì chúng buộc phải nhìn thấy tượng trưng cộng sản!

Tháng 4-1961, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đồng chí Gagarin đã lái con tàu vũ trụ Phương Đông bay quanh quả đất. Khắp thế giới, tiếng hoan hô vang trời.

Lần này, Tổng Ken đã buộc phải thở than: “Liên Xô đã thu được một thắng lợi to... Chúng ta đã lạc hậu... Chúng ta phải thừa nhận điều đó”...

Tháng 8-1961, đến lượt đồng chí Titốp lái con tàu vũ trụ Phương Đông 2 bay 70 vạn cây số, quanh quả đất hơn 17 vòng. Thắng lợi kỳ diệu này càng làm cho Mỹ nóng ruột.

*
*    *

Để vớt vát lại chút ít danh dự, và để làm cho trôi một ngân sách khổng lồ về quân sự (52.700 triệu đôla), Mỹ đã tổ chức “một tuần lễ lớn chinh phục vũ trụ” vào cuối tháng 1 này. Chính phủ Mỹ đã quảng cáo rùm beng: “Những thành công trong các chuyến bay này sẽ vô cùng to lớn... Mỹ sẽ đuổi kịp Liên Xô”. Nhưng than ôi! Thử 5 lần thì 4 lần đã thất bại. Tên lửa “Ranger 3” đã bay lạc cách mặt trăng 50.000 cây số. (Lần này là lần thứ 10 “tên lửa mặt trăng” Mỹ thất bại). Có lẽ vì chị Hằng không ưa mùi thối tha của đế quốc cho nên đã xua đuổi tên lửa Mỹ không cho đến gần mình. Hai lần thì bay nửa chừng bị hỏng máy.

Việc phóng con tàu vũ trụ thất bại càng thảm hại. Đại tá Glen đã ngồi vào hòm kín chờ suốt 4 tiếng đồng hồ. Tổng Ken đã đến sẵn ở đài vô tuyến truyền hình, chỉ chờ đến phút truyền tin tức và hình ảnh khắp thế giới. Hải quân Mỹ đã động viên 30 chiếc tàu, 4.000 thủy thủ và hơn 2.000 chuyên gia bố trí khắp bốn biển, chờ vớt phi công Glen lên. Công ty Vô tuyến truyền hình đã tiêu 50 vạn đôla để chuẩn bị đưa tin và ảnh. Nhưng...

“Hoãn! Không bay được!”. Mệnh lệnh sét đánh ngang tai đó đã làm cho “cả nước Mỹ chìm đắm trong bầu không khí bi quan ảm đạm... Chính phủ quảng cáo quá rùm beng, cho nên nhân dân thất vọng càng sâu sắc... Mọi người ngẩn ngơ và buồn bực... Tổng thống cũng không giấu được sự thất vọng... (lời các báo Mỹ).

Cuộc “du hành vũ trụ” thất bại đã hao tốn 400 triệu đôla. Nếu chia ra cho 180 triệu người Mỹ thì mỗi người phải mất toi 2 đôla 16 xu.

Các báo Mỹ kết luận: “Thất bại này lại thêm cho Mỹ một vố nữa trước dư luận thế giới!”. Thật là:

Mất tiền rồi lại thua thâm,

Để cho thiên hạ nhân dân chê cười!

Một lần nữa, ai cũng thấy rõ chế độ xã hội chủ nghĩa hơn hẳn chế độ tư bản về mọi mặt.

T.L.

----------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2872, ngày 1-2-1962, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.330-332.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.