Đế quốc Mỹ lại bị mấy cái tát nữa.

Trong mười năm nay, chúng đã bị nhiều vố đau. Nhưng “chết mà nết không chừa”, chúng không chịu rút kinh nghiệm.

Chúng đã thất bại ở Trung Quốc.

Đã thất bại ở Triều Tiên.

Đã thất bại ở Cu Ba.

Chúng đang thất bại ở miền Nam Việt Nam, với kế hoạch 18 tháng của Taylơ.

Cái tát vừa rồi là: Chính phủ Cămpuchia đã từ bỏ “viện trợ” Mỹ và đòi các phái đoàn Mỹ phải rời khỏi Cămpuchia. Vì sao?

Thái tử Quốc trưởng Xihanúc đã nói rõ lý do, đại ý như sau: Cămpuchia thực hiện chính sách trung lập và chung sống hòa bình với tất cả các nước. Đế quốc Mỹ không ưu chính sách đó. Chúng xúi giục bọn chư hầu ở Thái Lan và Nam Việt Nam khiêu khích và uy hiếp Cămpuchia. Chúng giúp đỡ bọn phản quốc “Khơmesơrai” hoạt động phá hoại và đảo chính…

Thái tử Xihanúc nói: Viện trợ Mỹ chỉ làm cho Cămpuchia nghẹt thở… Chỉ đưa lại nhiều điều khổ nhục cho Cămpuchia.

Vì vậy Thái tử đã kêu gọi nhân dân Cămpuchia ra sức tự lực cánh sinh để xây dựng một nền kinh tế độc lập, không thèm nhận viện trợ Mỹ nữa. Ngày 19-11-1963, Đại hội nhân dân Cămpuchia với 2 vạn đại biểu đã nhất trí ủng hộ lời kêu gọi của Thái tử từ bỏ viện trợ Mỹ, để “thoát khỏi sự nhục nhã của dân tộc do viện trợ Mỹ gây ra”.

Nhân dân Cămpuchia đã hô to: Đế quốc Mỹ cút đi!

Nhân dân Việt Nam ta nhiệt liệt ủng hộ chính sách đúng đắn của Thái tử Xihanúc và của nhân dân Cămpuchia anh em.

Vừa rồi, đế quốc Mỹ còn bị một cái tát khác nữa: Ngày 15-12-1963, các bộ trưởng giao thông vận tải của 10 nước Tây Âu trong đó có cả Anh, Pháp, Ý, Tây Đức,… đã kịch liệt lên án Mỹ. Vì sao? Vì Mỹ đòi các công ty tàu biển của các nước phải theo đúng kỳ hạn mà khai báo cho Mỹ biết tình hình và thu nhập của họ; nếu không thì Mỹ sẽ phạt mỗi ngày 10 đôla, thậm chí cấm không cho tàu của họ cập bến Mỹ.

Trên đây là chưa kể phong trào chống Mỹ đang sôi nổi ở nhiều nước khác tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Đế quốc Mỹ ngốc nghếch tưởng rằng:

Nhiều vũ khí, nhiều đôla,

Làm mưa làm gió chúng tha hồ làm.

Chúng không biết rằng:

Thế giới nay đã đổi rời,

Đế quốc Mỹ đã khắp nơi sa lầy.

CHIẾN SĨ

--------------------

Báo Nhân Dân, số 3551, ngày 18-12-1963, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.