Hồi tháng 11-1951, một chiến sĩ của Quân tình nguyện Trung Quốc là Vưu Huy bị thương rất nặng: cánh tay phải cụt hết, con mắt trái bị đui, tay trái còn cái khuỷu, đầu và mặt bị nhiều vết thương. Ăn uống, mặc áo, ỉa đái đều phải có người giúp đỡ.

Một thanh niên hăng hái mà bị đui què như thế, không trách đồng chí Huy bi quan. Đồng chí ấy càng nghẹn ngào khi tính toán: mỗi ngày ăn 3 bữa, mỗi bữa mất công một người giúp 20 phút. Nếu sống 30 năm nữa, thì sẽ mất công người ta giúp hơn 1 vạn tiếng đồng hồ; mình đã không làm được gì, lại làm hại Tổ quốc mất hơn 1 vạn giờ sản xuất!

Anh em cán bộ ra sức giúp đỡ, giải thích và cho đồng chí Huy xem truyện một thanh niên anh hùng du kích Liên Xô khi đã mù cả 2 mắt, liệt cả tay chân, mà vẫn còn viết tiểu thuyết và tiểu sử của một thanh niên anh hùng khác ở Liên Xô, khi đã bị thương cụt 2 chân, mà vẫn xung phong làm phi công, đánh rơi nhiều máy bay Đức. Nhờ những sự khuyến khích ấy, đồng chí Huy quyết tâm tự lực cánh sinh. Bắt đầu thì tập ăn cơm, mặc áo. Trải qua nhiều khó khăn và cố gắng, kết quả đã thành công. Tiếp đến tập viết chữ, càng khó khăn đau khổ hơn, vì phải tập viết với cái khuỷu tay phải; viết nguệch ngoạc được một chữ, thì toát mồ hôi nước mắt, đau ê cả người. Mỗi khi đau quá, đồng chí Huy lại nghĩ đến hai thanh niên anh hùng Liên Xô, nghĩ đến mình nhất định phải trở nên một người có ích cho Tổ quốc - thì đồng chí ấy lại giữ vững quyết tâm. Kết quả tập viết cũng thành công.

Tháng 3-1953, vết thương đã lành hết, đồng chí Huy được phái đến làm việc ở viện “nuôi dạy những chiến sĩ bị tàn phế”.

Tính từ ngày bắt đầu tập viết đến tháng 5 năm nay, đồng chí Huy đã viết hơn 30 vạn chữ. Thế là:

Dù là đui mắt, cụt tay,
Cố công mài sắt có ngày nên kim.
Anh hùng chỉ ở quyết tâm,
Quyết tâm, thì khốn khó muôn tầm cũng vượt qua.

C.B.

-----------

Báo Nhân Dân, số 226, từ ngày 15 đến ngày 16-9-1954, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.