Xem những lời bình luận sau đây của các báo tư sản nước ngoài, và cả báo phản động Mỹ, bà con rõ thêm dư luận thế giới đối với chính quyền Mỹ-Diệm thế nào.

- Báo Anh Người kinh tế (4-2-1956): Luật tuyển cử của Ngô Đình Diệm không dân chủ… Chính phủ có quyền bác bỏ những người ứng cử không vừa ý mình. Các đại biểu “quốc hội” nếu làm trái ý chính phủ, cũng có thể bị bắt. “Quốc hội” chỉ được hoạt động trong 45 ngày để thông qua “hiến pháp” mà Diệm đã thảo sẵn. Nếu không thông qua, thì “quốc hội” sẽ bị giải tán.

- Thời báo Anh (6-2-1956): Ngày 4-3-1956, miền Nam Việt Nam sẽ có cuộc tuyển cử. Diệm sẽ đòi “quốc hội” thông qua một hiến pháp kiểu Mỹ. Vì sự hạn chế những người ứng cử, “quốc hội” ấy sẽ không có tư cách đại biểu cho nhân dân… Chế độ độc tài của Diệm không có quyền tự xưng là đại biểu ý chí của nhân dân Việt Nam.

- Báo Pháp Tin tức Pa-ri (6-2-1956): Cuộc tuyển cử ngày 4-3-1956 chỉ có thể thực hiện ở những thành thị to trong miền Nam, vì chính quyền Diệm chỉ nắm được 1 phần 5 xứ ấy. Đại đa số nhân dân - nhất là nông dân - đều chống Diệm. Thậm chí những nhóm người trước đây ủng hộ Diệm - như “ủy ban cách mạng” - nay cũng chống Diệm.

- Báo Pháp Diễn đàn các dân tộc (10-2-1956): Diệm đã sắp đặt đầy đủ các thứ cho cuộc tuyển cử một quốc hội “nặn sẵn”. Diệm đưa ra nhiều “dụ” để bóp nghẹt những ý kiến đối lập, và bắt giam hết những người bị tình nghi. “Quốc hội” của Diệm chỉ có quyền tán thành bản “hiến pháp” mà bọn Diệm đã bí mật thảo sẵn; nếu không, thì “quốc hội” sẽ bị giải tán. Đây là một cuộc tuyển cử mà nhân dân không có quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận…

“Ủy ban cách mạng” của Nguyễn Bảo Toàn và quân đội Cao Đài của Nguyễn Thành Phương là những nhóm cực lực ủng hộ Diệm, nay cũng bị Diệm trù. Toàn phải chạy trốn. Đất thánh Cao Đài là Tây Ninh bị quân đội Diệm chiếm đóng, giáo chủ Cao Đài phải đi trốn.

Các chính đảng miền Nam, như đảng Cộng hòa, đảng Xã hội,… đều phản đối cuộc tuyển cử của Diệm. Cuộc tuyển cử ngày 4-3-1956 cũng chẳng qua là một trò hề gian dối như cuộc “trưng cầu dân ý” năm ngoái.

- Báo Mỹ Thời báo Nữu-ước (15-2-1956): Ở miền Nam, quyền “dân chủ” chỉ là lời hứa suông, không phải sự thật. Báo chí bị kiểm duyệt gắt gao. Hơn 8.000 người bị bắt chỉ vì tình nghi. Họ thường bị bắt lúc nửa đêm và bị ngược đãi một cách rất tàn nhẫn…

- Báo Ý chí của Việt Nam (của nhóm người Việt cải lương, ở Pa-ri) (21-2-1956): Chính phủ Diệm chỉ gồm có anh em, bà con và tay sai của Diệm. Họ hô khẩu hiệu “vì dân”, mang chiêu bài “dân chủ” nhưng sự thật thì ra sức chia cắt đất nước, xây dựng một chính quyền độc tài. Âm mưu ấy bị toàn dân phản đối… Trong lúc nhân dân kiệt quệ, thì có một lũ phát tài kếch xù. Họ khinh rẻ nhân dân, khinh rẻ dư luận. Họ chỉ có những lời hứa suông, những khẩu hiệu rỗng tuếch. Nhân dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà chỉ có quyền còng lưng mà gánh, cắn răng mà chịu. Đã đến lúc phải chấm dứt cái chế độ gian dối, lừa bịp ấy.

- Báo Pháp Tin nhanh (22-2-1956): Cuộc vận động “tuyển cử” ở miền Nam đã mở đầu. Báo chí bị kiểm duyệt gắt gao. Trong vài tuần qua, hơn 8.000 người bị bắt trái phép và bị ngược đãi tàn nhẫn, thậm chí nhiều người phương Tây cũng tỏ ý bất bình. “Quốc hội” sẽ không có quyền hành gì; nếu không tán thành “hiến pháp” của Diệm thì “quốc hội” sẽ bị giải tán. Diệm định giành quyền tối cao cho y, mà “quốc hội” chỉ có địa vị phụ thuộc…

- Báo Anh Thế giới phương Đông (19-2-1956): Mỹ dùng mọi cách để biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ của Mỹ. Mỹ nặn ra chính quyền Diệm và cho nó tiền, chỉ nhằm mục đích phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Chính quyền Diệm chỉ được 1 phần 8 nhân dân miền Nam ủng hộ. Cuộc tuyển cử này cũng như cuộc “trưng cầu dân ý” năm ngoái chẳng có giá trị gì; chưa bỏ phiếu, Mỹ và các chính phủ phương Tây đã biết trước kết quả của nó. Báo chí bị kiểm duyệt rất ngặt. Những địa vị quan trọng đều do anh em và bà con Diệm nắm. Diệm không bao giờ rời các cố vấn Mỹ. Một cố vấn Mỹ đặt bàn giấy ngay bên cạnh bàn giấy của Diệm.

Đại đa số nông dân miền Nam ủng hộ “Việt Minh”. Diệm không dám tin cậy quân đội của y, vì tinh thần của họ thấp kém, ý chí họ bất mãn. Nhiều binh sĩ của Diệm cho rằng họ bị người ngoài lợi dụng với âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”. Ở miền Nam, phong trào chống Diệm ngày càng lên cao…

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 727, ngày 29-2-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.