Để truyền đạo trong đám công nhân Pháp, Giáo hội Pháp đã phái hơn 100 linh mục vào các nhà máy. Những linh mục này cũng làm thợ, cũng vào công đoàn, cũng tham gia các cuộc bãi công và mọi cuộc đấu tranh khác như anh chị em công nhân.

Kết quả không ngờ là: hầu hết các linh mục ấy đều hóa ra công nhân 100 phần 100, đều đứng hẳn về phía công nhân.

Vì vậy, vừa rồi Tòa thánh ra lệnh cho các linh mục ấy phải thôi đi, không được làm công nhân nữa.

Một điều không ngờ nữa là: mặc dầu các đức cha Pháp đe dọa, trong 90 “linh mục công nhân”, 73 vị đã chống lại lệnh của Tòa thánh. Họ tuyên bố trên các báo rằng: “Mệnh lệnh Tòa thánh bắt họ phải bỏ đời sống của người lao động và bỏ sự đấu tranh mà họ đã kề vai kề cánh với công nhân… Mệnh lệnh ấy chắc là do những người quen dùng tôn giáo cho quyền lợi ích kỷ, và do thành kiến với giai cấp công nhân… Họ không thể giả mạo là ở trong hàng ngũ công nhân mà lại không làm việc thực tế, không nhận những trách nhiệm của người công nhân… Giai cấp công nhân cần những người cùng đấu tranh, cùng hy vọng; chứ không cần những người làm bộ thương hại họ…”.

73 vị linh mục kia thật là những người tu hành chân chính, làm đúng lời Đức Chúa. Vì Đức Chúa dạy mọi người luôn luôn đứng hẳn về phía quần chúng cần lao.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 185, từ ngày 16-5 đến ngày 18-5-1954, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.