Ngày nay, xe ngựa và khách bộ hành vui vẻ nhộn nhịp ngược xuôi trên đường số 5, người ta thường nhắc lại lịch sử anh dũng của con đường ấy.

Từ ngày bắt đầu chiến tranh, đường số 5 trở nên cái cuống họng của địch. Chúng lập đồn bốt chi chít, giăng dây thép gai khắp nơi, càn quét hai bên đường, phá trụi nhiều làng xóm, chúng hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Suốt mấy năm, trong vùng đó, địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta. Cũng như nhân dân cả nước, đồng bào Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng căm thù giặc, quyết tâm đánh giặc, cứu nước.

Tháng 6-1947, du kích An Dương đánh trận mìn đầu tiên. Từ đó, cuống họng địch bắt đầu khó thở: Đường số 5 luôn luôn bị ta khuấy rối, đánh úp, phá hoại.

Khó khăn, nguy hiểm, gian khổ lắm, hy sinh nhiều. Nhưng không gì cản trở được lòng kiên quyết đấu tranh của nhân dân và du kích ta. Mà du kích ta là tất cả đàn ông, đàn bà, cụ già, em bé.

Từ năm 1950, địch thua to ở biên giới, chúng càn quét càng dữ dội ở đồng bằng. Sức chiến đấu của ta cũng càng lên mạnh. Có khi chỉ trong một hôm, du kích ta đánh luôn 8 trận mìn trên đường số 5, phá 2 đầu tầu xe lửa. Có đêm ta phá hàng chục cây số đường ray. Có đêm đánh tan 22 vị trí địch, lật đổ những chuyến xe chở đầy vũ khí Mỹ và binh sĩ Âu Phi. Những trận “xuất thần nhập quỷ” đánh phá các trường bay Gia Lâm, Đồ Sơn, Cát Bi đã làm cho địch kinh hồn khiếp vía, đồng thời danh tiếng của quân và dân ta lừng lẫy khắp năm châu.

Trong đợt phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, du kích đường số 5 đã đánh phá hơn 20 vị trí địch, lật đổ hơn 10 chuyến xe lửa, tiêu diệt địch hơn 1.000 tên.

Đường số 5 hơn trăm đồn bốt,

Dân đường 5 có một lòng son,

Dù cho sông cạn đá mòn,

Quyết tâm gìn giữ nước non Lạc Hồng.

Nay kháng chiến đã thắng lợi, đường số 5 là của dân ta, đồng bào vùng ấy cần giữ vững và phát triển chí khí oanh liệt trong việc thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để giúp khôi phục lại kinh tế, làm cho dân mạnh, nước giầu.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 472, ngày 18-6-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.525-526.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.