Trong chiến thắng Tây Bắc, 87 cán bộ và chiến sĩ đã lập công và được thưởng huân chương. Trong số các anh hùng ấy, có 4 phụ nữ, 4 đồng bào thiểu số, 36 chiến sĩ không phải đảng viên và 41 đảng viên. Đó là những con số rất có ý nghĩa. Đây tôi chỉ nói tóm tắt chuyện hai em Đính và Cấp.
Em Đính 16 tuổi, người Mèo[1] tỉnh Lai Châu. Năm 1949, cán bộ ta đến bí mật hoạt động ở vùng đó. Em Đính lúc ấy mới 12 tuổi, mà đã ra sức tiếp tế, đưa tin, dẫn đường giúp cán bộ. Năm 1950, bị giặc bắt, em tìm cách trốn được. Rồi từ đó, em đi theo du kích bí mật. Công việc dù khó nhọc, nguy hiểm mấy, em cũng quyết tâm làm cho kỳ được. Trong Chiến dịch Tây Bắc, em lại bị giặc bắt. Chúng tra tấn dã man, đánh què hai chân, nhưng em không chịu khai gì cả. Giặc tức giận quá, bèn treo cổ em lên cây rồi bắn em chết.
Em Cấp là người Mán[2], 17 tuổi, tỉnh Sơn La. Năm 14 tuổi, em đã tham gia đội du kích. Năm 15 tuổi, em đã giật mìn làm 5 tên giặc bị thương và 5 tên chết. Em rất gan dạ và vui vẻ, thường một mình vượt qua vòng vây của địch để đưa tin tức cho bộ đội ta. Cuối năm 1952, em Cấp đã oanh liệt hy sinh trong khi đang hoạt động ở vùng địch.
Em người Mán, em người Mèo,
Đều là con cháu dân cày nghèo.
Tuy nghèo, chí khí rất giàu
Nêu gương oanh liệt, đời sau dài truyền.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 97, từ ngày 1 đến ngày 5-3-1953, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.73-74.
[1] Nay gọi là dân tộc Mông (BT).
[2] Nay gọi là dân tộc Dao (BT).