Pháp khủng hoảng Chính phủ từ ngày 5-2-1955 đến nay. Pinay, Phơlimlanh, Pinô là ba tên tay sai của Mỹ được đưa ra lập Chính phủ mới đều thất bại đau đớn làm cho đế quốc Mỹ hết sức lo sợ và bực tức. Hãng Thông tấn Mỹ U.P. ngày 19-2-1955 mắng Quốc hội Pháp là “chẳng làm cóc gì để giải quyết nạn khủng hoảng Chính phủ, là “đã đẩy nước Pháp vào chỗ bế tắc”. Thái độ của đế quốc Mỹ đối với Quốc hội Pháp đã làm cho nhân dân Pháp và nhiều nghị sĩ của Pháp bất bình.

Không đếm xỉa đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân Pháp là phải có một chính sách ngoại giao độc lập, Tổng thống Pháp lại cử Étga Phô ra lập Chính phủ. Étga Phô là kẻ đã tham gia Chính phủ Cơi (tháng 2-1949), Chính phủ Biđô (tháng 10-1949), Chính phủ Pơlêven (tháng 7-1950) là những Chính phủ làm tay sai đắc lực cho Mỹ và là những Chính phủ chủ trương kéo dài chiến tranh xâm lược Đông Dương. Năm 1952, Étga Phô lập nội các được 40 ngày rồi đổ. Étga Phô là Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ hiếu chiến Lanien Biđô. Étga Phô lần lượt làm Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao của Chính phủ Măngđét Phrăngxơ là Chính phủ theo đuôi Anh, đầu hàng Mỹ. Tháng 12-1952, Étga Phô đã dự Hội nghị khối Bắc Đại Tây Dương ở Líxbon (Thủ đô Bồ Đào Nha) để thảo luận kế hoạch chiến tranh ở châu Âu, vũ trang lại Tây Đức và mở rộng chiến tranh Đông Dương. Quá trình lịch sử ấy nói rõ Étga Phô là người như thế nào. Étga Phô lại có rất nhiều quan hệ với bọn tư bản độc quyền Mỹ. Chính vì có quan hệ mật thiết với Mỹ nên khi nhận lập Chính phủ mới, Étga Phô đã vội vã tuyên bố chính sách của y là thông qua mau chóng Hiệp ước Pari.

Chính sách của Étga Phô rõ ràng là chính sách làm tay sai cho Mỹ. Chính sách của Étga Phô tiếp tục chính sách của Măngđét Phrăngxơ buộc Quốc hội Pháp thông qua Hiệp ước Pari, vũ trang lại Tây Đức sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh ở châu Âu và chiến tranh thế giới. Theo đuổi chính sách mù quáng ấy, Étga Phô nhất định sẽ bị nhân dân Pháp và những nghị sĩ Pháp yêu nước, yêu hòa bình, tôn trọng Hiệp định Giơnevơ phản đối và đánh đổ.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 358, ngày 23-2-1955, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.334-335.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.