Câu tục ngữ ấy rất đúng. Xã hội chung quanh có ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi một người, nhất là đối với các trẻ em. Hai hiện tượng sau đây chứng tỏ điều đó:

- Gần mực thì đen - Ở Mỹ, đối với trẻ em, giáo dục thì theo kiểu “cô-bồi”, tiểu thuyết và phim ảnh đều đầy những “anh hùng” giết người, cướp của. Thêm vào đó, khi người Mỹ da trắng giết người Mỹ da đen cũng không bị tội vạ gì hết (Hôm 25-4, lại có một vụ 5 người da trắng đánh chết một linh mục da đen 79 tuổi).

Do đó, số trẻ con phạm tội ngày càng nhiều. Năm 1948, có 30 vạn trẻ con Mỹ phạm tội. Năm 1953, tăng đến 45 vạn đứa. Vừa rồi, ở xứ Côn-néc-ti-cút đã xảy ra một vụ trẻ con phạm tội rất ghê gớm:

Một buổi sáng trung tuần tháng 4, Rô-be, 11 tuổi, bắn chết anh nó. Mẹ nó chạy lại cứu, nó bắn chết luôn mẹ nó. Rồi nó mang súng đi tìm bắn chết bố nó.

Ra trước tòa án, Rô-be nói với một giọng tự hào: Cách vài hôm trước, bố nó mắng nó. Tức giận quá suốt mấy ngày nó chuẩn bị một kế hoạch báo thù. Trước khi bắn chết cha mẹ và anh nó, nó đã chia cho các bạn nó những sách vở và đồ chơi của nó…!

- Gần đèn thì sáng - Nhờ cách mạng và kháng chiến giáo dục, nói chung trẻ em ta rất ngoan. Em nào cũng biết yêu nước, ghét địch. Em nào cũng ham học, chăm làm, hăng hái tham gia những công việc có lợi ích chung. Các em biết thương yêu giúp đỡ nhau.

Trong những năm kháng chiến, ở vùng du kích và vùng sau lưng địch, nhiều em đã gan dạ, hy sinh, liều mình để giúp đỡ cán bộ và bộ đội ta.

Cho nên ở trong nhà thì cha mẹ, đến trường học thì thầy và bạn, ngoài xã hội thì người lớn cần phải làm gương mẫu, tốt, cần phải làm “đèn” cho các trẻ em. Sách vở, tiểu thuyết, phim ảnh cho trẻ em xem; phải lựa chọn rất cẩn thận.

Giáo dục như vậy, thì trẻ em nhất định sẽ ngoan, và khi lớn lên các em sẽ là những công dân tốt, những cán bộ tốt.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 808, ngày 21-5-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.