Thiên hạ còn nhớ rằng: Khi mới lên cầm quyền, tổng Ken tuyên bố với một giọng “đại từ đại bi”: “Giúp đỡ các nước chậm tiến là một nghĩa vụ thiêng liêng của Mỹ, nhằm cứu vớt những người tật bệnh, đói rách, nghèo nàn. Mỹ hoàn toàn không nhằm lợi ích gì khác…”. Nhưng sự thật thì thế nào? Việc sau đây trả lời câu hỏi đó:

Hội nghị các nước trung lập họp vào đầu tháng 9-1961 ở Bengrát. Đến dự hội nghị có những đại biểu đang làm vua, làm giáo chủ; có những đại biểu đang lãnh đạo dân tộc mình chiến đấu anh dũng chống bọn đế quốc thực dân (như Cu Ba, Angiêri…); cũng có những đại biểu các chính phủ đã vay nhiều đôla Mỹ.

Lợi dụng chỗ đó, đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn (hứa hẹn, đe dọa, chia rẽ) hòng lái hội nghị theo ý muốn phản động của chúng. Nhưng kết quả của hội nghị đã trái hẳn với âm mưu của Mỹ. Hội nghị đã nhất trí đòi các nước thực hiện:

- Chung sống hòa bình,

- Giải trừ quân bị toàn diện và triệt để,

- Xóa bỏ ngay chế độ thực dân, trả quyền độc lập cho các nước thuộc địa,

- Trả địa vị hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Liên hợp quốc,

- Sửa đổi lại bộ máy của Liên hợp quốc, v.v..

Vì vậy, gần một tháng rồi, mà các chính khách và báo chí tư sản Mỹ chưa hết cơn giận lôi đình. Đối với hội nghị Bengơrát, chúng dùng những lời lẽ cao bồi như: “bọn vong ân phụ nghĩa”, “ăn của tao lại nói xấu tao”, “phê bình Mỹ gay gắt nhất, chính là những kẻ cần Mỹ giúp đỡ nhất”…

Ngay sau hôm hội nghị Bengrát bế mạc, các báo Mỹ (7-9-1961) đăng tin: “Ở hội nghị các nước trung lập có những lời chống lại phương Tây làm cho Tổng thống Ken rất bất bình. Do đó, Mỹ sẽ giảm bớt viện trợ kinh tế cho một số nước trung lập”.

Và hôm 15-9, báo chí Mỹ đăng tin: “Mỹ đã hứa giúp tiền cho Gana xây dựng một nhà máy điện. Nhưng nay Mỹ không giúp nữa, vì Mỹ rất không hài lòng với những lời phát biểu của Tổng thống Gana đối với các vấn đề quốc tế…”.

Ở hội nghị Bengơrát, Tổng thống Gana là một trong những vị đã kịch liệt lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân; và cũng nhân chuyện này mà đã lột mặt nạ giả nhân giả nghĩa của đế quốc Mỹ.

Vậy có thơ rằng:

Đôla không mua được lương tâm,

Phen này Mỹ lại phơi trần mặt mo!

T.L.

--------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2747, ngày 29-9-1961, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.205-206.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.