Trên trường chính trị quốc tế hiện nay, đó là vấn đề quan trọng nhất và thiên hạ quan tâm đến nhất. Tháng Chín năm ngoái, trước Đại hội Liên hợp quốc, đồng chí Khơrútsốp đề nghị các nước giải trừ quân bị toàn bộ và triệt để. Toàn thể Đại hội tán thành. Từ ngày 15-3-1960, "Ủy ban giải trừ quân bị" đang khai hội ở Giơnevơ. Ủy ban gồm có đại biểu mười nước. Năm nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, và Rumani. Năm nước tư bản là Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Canađa.

Lập trường của phe xã hội chủ nghĩa rất rõ ràng và thiết thực, đại ý như sau: Loài người ai cũng muốn sống hòa bình. Muốn hòa bình thì phải tiêu diệt chiến tranh. Muốn tiêu diệt chiến tranh thì các nước phải giải tán hết quân đội và phá hủy hết vũ trang. Không còn quân đội và vũ trang nữa thì không có chiến tranh, và hòa bình sẽ thực hiện.

Phe Mỹ không dám công khai phản đối giải trừ quân bị. Nhưng họ tìm mọi cách loanh quanh, nhập nhằng, hòng đưa vấn đề giải trừ quân bị đến chỗ bế tắc.

Vì sao phe đế quốc không muốn giải trừ quân bị? Họ có những lý do đen tối mà họ không dám nói ra. Thí dụ Mỹ có những lý do như sau:

- Mỗi năm Mỹ chi tiêu vào quân bị hơn 45.500 triệu đôla (chiếm 57% tổng ngân sách). Số tiền khổng lồ ấy được phân phối cho các công ty đại tư bản chế tạo vũ khí, và các công ty ấy thu những món lãi kếch xù.

- Hiện nay ở Mỹ có "hơn 20 triệu công nhân "xơ xác", sống một cách rất bi đát, nhà không đủ ở, áo không đủ mặc, bánh không đủ ăn..." (Lời ông Mini, Chủ tịch Tổng Công đoàn Mỹ). Ngoài số người đó, lại có gần 5 triệu công nhân thất nghiệp thường xuyên.

Mỹ có độ 5 triệu lính các loại.

Nếu Mỹ giải trừ quân bị thì: Bọn đại tư bản Mỹ sẽ mất món hàng hơn 45 tỉ đôla, chúng có thể phá sản. Gần 5 triệu lính thải về, cộng với hơn 25 triệu công nhân nghèo khổ, sẽ sinh ra nhiều khó khăn. Nếu không có nguy cơ chiến tranh thì hàng nghìn tướng tá hiện nay đang vênh vang phú quý, sẽ hết nghề "làm ăn".

- Nếu Mỹ giải trừ quân bị thì số phận bọn tay sai (như Tưởng Giới Thạch, Lý Thừa Vãn, Ngô Đình Diệm...) sẽ không khỏi bị nhân dân "giải trừ". Vì vậy mà ở Hội nghị Giơnevơ, các đại biểu Mỹ và phe Mỹ đã đưa ra một kế hoạch "như một cái khăn quàng lốm đốm do nhiều miếng giẻ vội vàng khâu lại, để cho các nước phương Tây khỏi quá trần truồng trong phòng hội nghị..." (Lời của báo Niu Stếtman[1]).

Nhưng hòa bình là nguyện vọng thiết tha của toàn thể loài người.

Phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô ngày càng mạnh, có đủ lực lượng để làm cho nguyện vọng chính đáng ấy được thỏa mãn. Cho nên, dù bọn đế quốc muốn hay là không muốn, chính sách giải trừ quân bị sẽ được thi hành, hòa bình sẽ được củng cố, vì nhân dân thế giới đều đấu tranh cho mục đích ấy.

T.L.

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 2196, ngày 23-3-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.533-534.


[1]. New Statesman là một tờ báo chính trị cánh tả của Anh (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.