Năm 1920, 30 phần 100 số người Liên Xô là mù chữ.
Năm 1930, số người mù chữ còn 10 phần 100.
Hiện nay, từ các trẻ em 8 tuổi trở lên, ai cũng biết chữ.
Từ năm 1930, các trường phổ thông có 7 lớp. Hiện nay, các trường phổ thông tiến dần thành 10 năm. So với năm 1951, thì năm nay trường 10 năm đã tăng gấp 4 lần.
Ngày nay, Liên Xô có 22 vạn trường phổ thông với 7 triệu học trò. Ngoài ra còn có những lớp buổi tối cho thanh niên công nhân và nông dân học thêm.
Các xí nghiệp có trường dạy đêm. Nhiều nam nữ thanh niên vừa làm vừa học, đã từ người thợ không lành nghề mà trở nên thợ chuyên môn và kỹ sư.
Nhờ sự giáo dục rộng khắp và thiết thực, cho nên khi đã học xong trường phổ thông 10 năm, người thanh niên chuyển sang học nghề nghiệp rất nhanh và rất dễ.
Các nhà giáo dục nước ngoài đều nhận rằng: cách giáo dục ở Liên Xô tốt nhất trên thế giới. Thí dụ nhà bác học Átbi (người nước Áo) nói: “Về trí thức khoa học, người học sinh tốt nghiệp Liên Xô không kém gì người bác sĩ khoa học Mỹ. Cử chỉ của họ là cử chỉ đúng đắn của những người thông thái, chứ không phải cử chỉ của những chàng đá bóng và những tướng cao bồi cốt cho các nhà báo đặc biệt nêu tên. Những anh hùng trong tiểu thuyết của nhi đồng Liên Xô đều là những kỹ sư, những người bác học, chứ không phải là những kẻ giết người, những tên mật thám - như trong tiểu thuyết Mỹ”.
C.B.
------
Báo Nhân Dân, số 454, ngày 31-5-1955, tr.2.