Nhiều bạn đọc hỏi: Hội nghị Xô, Mỹ, Anh, Pháp ở Giơnevơ vừa rồi, có kết quả gì?

Trả lời: Có kết quả. Đã 10 năm qua, lần này là lần đầu tiên mà những vị đứng đầu bốn Chính phủ Xô, Mỹ, Anh, Pháp khai hội với nhau và đều tỏ ý muốn hiểu nhau, muốn hợp tác. Điều đó rất quan trọng, nó làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng.

Cuộc khai hội ấy đã làm giảm bớt cái không khí nghẹt thở của "chiến tranh lạnh", và đưa mối quan hệ giữa các nước lớn sang một giai đoạn mới.

Trong hội nghị, bốn nước đã thảo luận những vấn đề lớn:

- Vấn đề nước Đức,

- Vấn đề an ninh của châu Âu,

- Vấn đề giảm bớt binh bị và cấm dùng bom nguyên tử,

- Vấn đề phát triển sự quan hệ giữa các nước phương Đông và phương Tây.

Có vấn đề thì ý kiến còn khác nhau; có vấn đề thì ý kiến gần nhau; có vấn đề thì đã đồng ý với nhau trên nguyên tắc, như vấn đề an ninh ở châu Âu và giảm bớt binh bị.

Bốn Chính phủ đã giao cho bốn Bộ trưởng ngoại giao đến tháng 10 sẽ khai hội để thảo luận cách giải quyết những vấn đề đã có ý kiến nhất trí. Đó là một bước đầu tốt đẹp.

Nhưng hội nghị vẫn có thiếu sót: Dù Chủ tịch Bunganin (Liên Xô) đã đề nghị giải quyết vấn đề Viễn Đông (Đài Loan và Đông Dương) và Thủ tướng Nêru cũng nhắc bốn nước lớn thảo luận vấn đề ấy, nhưng hội nghị không thảo luận. Đó là một thiếu sót đáng tiếc.

Dù sao, hội nghị ấy đã mở đường cho những bước tiến sau này, nếu Mỹ, Anh, Pháp đều thật thà cố gắng như Liên Xô.

Có kết quả ấy là do chính sách hòa bình của Liên Xô và sự phấn đấu không ngừng của lực lượng hòa bình thế giới. Cho nên nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới phải tiếp tục đấu tranh nữa để làm cho tình hình quốc tế trở nên êm dịu hơn.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 532, ngày 17-8-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.81-82.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.