Ở câu lạc bộ nhà máy, vừa rồi có cuộc nói chuyện về kháng chiến ở miền Nam. Đồng chí Ba đã báo cáo rất đầy đủ, gọn gàng và sinh động. Chú tóm tắt ghi lại và gửi cho các cháu xem. Đồng chí Ba nói:

- Năm mới 1963, tổng Ken chúc tết tổng Diệm, tôn y là “vị cứu tinh của Nam Việt, người bảo vệ thế giới tự do ở phương Đông, v.v..”. “Đệ nhất phu nhân” Lệ Xuân thì lả lơi chạm chén với các ngài “cố vấn” Mỹ...

Trong lúc đó thì Hakin cùng lũ tôi tớ của Diệm như Dương Văn Minh... bí mật chỉ huy hơn 3.000 lính ngụy tiến đánh 300 du kích ở Ấp Bắc[1].

Kết quả là quân Mỹ - Diệm bị đánh tan tành. 300 lính ngụy chết, bị thương và đầu hàng, 3 tên Mỹ bỏ mạng, 5 máy bay Mỹ bị bắn rơi và 9 chiếc trúng đạn...

Báo chí Mỹ đã kêu la: “Thắng lợi của Việt cộng làm cho quân đội ông Diệm mất hết tinh thần, và nó phá hoại sự ổn định chính trị ở Sài Gòn...”. Số phận Diệm lâm nguy từ đó.

Năm mới đồng bào miền Nam “khai trương đại cát”. Cho nên suốt cả năm 1963 đã liên tiếp thắng lợi vẻ vang. Nhiều trận thắng to đã làm cho địch hồn xiêu phách lạc, như:

Trận Hiệp Hòa diệt 290 tên địch,

Trận Chà Là diệt 300 tên địch,

Trận Mỹ Tho diệt 250 tên địch,

Trận Ô Môn diệt 600 tên địch,

Trận Thủ Dầu Một diệt tiểu đoàn “Cọp đen”, v.v..

- Năm mới 1964, tay sai mới là bè lũ Dương Văn Minh muốn tâng công với quan thày mới là tổng Giôn (tổng Diệm và tổng Ken đã bị đưa về âm phủ). Chúng vây đánh quân du kích ở Thạnh Phú.

Thạnh Phú là một dải đất eo hẹp, chỉ vẻn vẹn có hai xã, ba mặt thì bị sông bao vây. Thế mà địch đã dùng đến 3.000 lính, 50 máy bay, 26 xe bọc sắt, 24 tàu chiến. Trực tiếp chỉ huy thì có một tên trung tướng và 28 sĩ quan Mỹ cùng hai tên trung tướng ngụy là Đôn và Khiêm.

Báo chí Mỹ đã rêu rao: “Đó là cuộc tiến công “trực thăng vận” to nhất trong lịch sử chiến tranh ở miền Nam”.

Kết quả lại là một trận “Ấp Bắc” mới. Hơn 600 địch bị tiêu diệt. 10 tên Mỹ và một tên tư lệnh Anh bỏ mạng. 15 máy bay bị trúng đạn và 5 chiếc bị bắn rơi.

Báo chí Mỹ lại kêu la: “Ngày 17-1-1964 là ngày tồi tệ nhất cho cuộc chiến tranh “trực thăng vận” của Mỹ... Cuộc hành quân ồ ạt đã kết thúc thất bại cho quân đội miền Nam!”. Từ đó về sau, địch còn liên tiếp bị nhiều “ngày tồi tệ” nữa.

- Có thể nói rằng về tính gian giảo quỷ quyệt, tổng Giôn là kẻ “quán quân” trên thế giới. Hôm trước thì y tuyên bố: “Hòa bình là nguyện vọng thiết tha nhất của tôi... Mỹ đang phấn đấu cho một thế giới hòa bình, không có chiến tranh...”. Ngay hôm sau, y ra lệnh cho lũ tay sai ở Sài Gòn “phải đẩy mạnh hơn nữa nhịp độ chiến tranh chống Việt cộng”. Hôm sau nữa, y phái thêm sang Nam Bộ một lô tướng Mỹ và chiếc tàu trận Pôrôviđenxơ với tên lửa sẵn sàng chiến đấu...

Theo lệnh Giôn, Mặtnạ[2] cũng thúc giục lũ tay sai Sài Gòn: “Các bạn không nên lo ngại về số thương vong trong bộ đội Nam Việt; các bạn hãy ra sức đẩy mạnh chiến tranh, đó là cơ hội cuối cùng của các bạn!”.

Ký giả Mỹ là Risa Đuman cho biết rằng: “Mỹ có ý định đặt giải thưởng bằng tiền cho những lính Hoa Kỳ lấy được đầu của du kích. Tên sĩ quan nào giết được nhiều du kích sẽ được cất nhắc nhanh hơn...”. Văn minh Mỹ là như vậy đó!

- Ở miền Nam, đế quốc Mỹ đang sa lầy đến cổ. Tuy trong ba tháng, Mỹ đã xui lũ tay sai đảo chính hai lần, nhưng tình thế càng ngày càng xấu cho Mỹ và lũ tay sai. Dư luận Mỹ và phương Tây nói về điều đó rất nhiều. Ở đây chỉ nêu vài thí dụ:

Chính Mặtnạ cũng phải nhận rằng: “Chiến tranh ở miền Nam đang diễn biến xấu... Du kích đã giành được những thắng lợi đáng kể” (ngày 28-1-1964).

Các báo tư sản Pháp viết: “Năm ngoái Mỹ còn lạc quan. Năm nay Mỹ bi quan rõ rệt... Du kích tiến bộ rất nhiều” (báo Thế giới, ngày 29-1-1964). “Những người quan sát có uy tín đều nhận rằng: Trừ Sài Gòn và các thành thị ra, Việt cộng kiểm soát hầu hết cả miền Nam” (báo Chiến đấu, ngày 24-1-1964). “Mỹ bắt đầu thấy rằng không thể thắng lợi bằng quân sự” (AFP, ngày 2-2-1964). “Cuộc đảo chính thứ hai khẳng định một cách nổi bật sự thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam” (báo Nhà nước, ngày 31-1-1964).

Các báo tư sản Anh viết: “Dù thay đổi ngựa, Mỹ cũng không tránh khỏi thất bại” (Thời báo, ngày 31-1-1964). “Chính sách xâm lược của Mỹ đã bị phá sản” (Tin điện hằng ngày).

Các báo tư sản Mỹ còn chua chát hơn:

“Chưa lúc nào tiền đồ Mỹ đen tối như lúc này!” (Tin tức Mỹ và thế giới, ngày 23-12-1963). “Mỹ càng sa lầy ở Nam Việt... Các cố vấn Mỹ đã ngã lòng và thất vọng” (Thời báo, ngày 23-12-1963).

“Cuộc đảo chính ngày 31-1-1964 chứng tỏ rằng sự nghiệp của Mỹ ở Nam Việt bắt đầu hết hy vọng... Rất có thể nhiều cuộc đảo chính khác sẽ xảy ra” (AP, ngày 31-1-1964). “Chế độ Mỹ nặn ra ở Nam Việt hết sức không ổn định và đang tan rã. Du kích đang phát triển một cách dễ sợ. Tiểu đoàn 514 của Việt cộng mà chính phủ miền Nam đang khoe khoang đã tiêu diệt nó ít nhất cũng đến 12 lần. Nhưng sự thật là năm 1963, nó chỉ có 300 người với súng ống thô sơ, nay nó có 500 người với vũ khí mới nhất lấy được của Mỹ... Hiện nay Việt cộng có hàng chục tiểu đoàn như vậy...” (UPI, ngày 7-2-1964).

Đồng chí Ba kết luận: Xét dư luận trên đây, ta càng tin chắc rằng: cuộc kháng chiến chính nghĩa ở miền Nam dù còn lâu dài và gay go hơn nữa, cuối cùng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng. Báo Mỹ Bưu báo Hoa Thịnh Đốn (ngày 6-2-1964) viết: “Thế nào Mỹ có cách rút lui mà không mất thể diện?”. Ta trả lời rằng: Đế quốc Mỹ cút ngay đi, để nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy công việc nội bộ của mình. Chỉ có cách đó thì Mỹ sẽ giữ được thể diện!

Hơn 600 công nhân cùng cán bộ chăm chú nghe, và vỗ tay như sấm khi câu chuyện kết thúc.

Chú gửi cháu nhiều cái hôn năm mới.

CHIẾN SĨ

------------------------

Báo Nhân Dân, số 3609, ngày 15-2-1964, tr.4.


[1]. Ấp Bắc là tên gọi của hai ấp thuộc xã Nhị Bình và xã Dưỡng Điền (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) - (BT).

[2]. Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.