Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên xã Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội) đã đặt kế hoạch làm cho Tết năm nay tươi vui và tiết kiệm. Các chi đoàn Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Hải Phòng, Sơn Tây, Nghĩa Lộ, Thái Nguyên, v.v. đều hăng hái nhận thi đua với Lỗ Khê.

Hoan hô sáng kiến tốt của thanh niên! Chúng ta - những người cha mẹ, cô bác - cũng cần phải thiết thực ủng hộ phong trào đó!

Vì sao thanh niên Lỗ Khê là người đề xướng phong trào tiết kiệm này? Bởi vì họ có kinh nghiệm mới mẻ và thiết thực.

Nguyên là một xã “chiêm khê mùa thối”, có năm ruộng phải cấy đi cấy lại hai ba lượt mà không thu hoạch được một lần. Đời sống của nhân dân rất vất vả.

Học tập những nghị quyết của Trung ương Đảng về đẩy mạnh nông nghiệp, từ cuối năm ngoái chi bộ Lỗ Khê có một chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và công tác: Muốn nhân dân no ấm thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì việc đầu tiên là phải làm tốt thủy lợi. Chi ủy bèn đề ra một “kế hoạch ba năm”. Vì cẩn thận, đợt đầu chỉ khoanh vùng 20 mẫu. Đại hội chi bộ nâng lên 48 mẫu. Khi đưa ra đại hội xã viên, mọi người bàn bạc sôi nổi và cuối cùng là toàn thể nhất trí: Công việc thủy lợi sẽ làm xong trong năm tháng (chứ không phải ba năm) và sẽ biến 200 mẫu (chứ không phải chỉ 48 mẫu) một vụ bấp bênh thành hai vụ ăn chắc.

- Điều này chứng tỏ rằng: Khi chi bộ khéo lãnh đạo và khi quần chúng đã thông suốt, thì công việc gì tuy to tát mấy và khó khăn mấy cũng làm được.

Để phát triển sản xuất mạnh hơn nữa, thì cần có tiền mua thêm trâu cày, sắm thêm nông cụ, v.v.. Nhưng hợp tác xã chỉ có 240 đồng tiền vốn. Phải giải quyết thế nào đây?

Tất cả cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên đều xung phong cho hợp tác xã vay tiền. Noi gương tốt ấy, tất cả bà con trong xã đều làm theo. Có cụ phụ lão đã hoãn việc xây nhà, những thanh niên hoãn ngày cưới vợ, những em nhi đồng đã đi mò cua bắt ốc đi bán để lấy tiền cho hợp tác xã vay. Chẳng mấy lúc hợp tác xã đã nhận được 15.000 đồng.

- Điều này chứng tỏ rằng: Cán bộ, đảng viên và đoàn viên làm gương mẫu tốt, thì nhất định nhân dân sẽ vui vẻ làm theo.

Đảng viên và đoàn viên Lỗ Khê đã phân công nhau giải thích cho từng người và giúp đỡ từng nhà đặt kế hoạch tiết kiệm. Tết này sẽ không ai nấu rượu, không ai giết lợn bừa bãi như mấy năm trước. Hơn nữa, các hộ có lợn bán sẽ trả lại cho Nhà nước 45% số tem thịt. Đảng bộ và chính quyền cùng các đoàn thể nhân dân sẽ tổ chức những cuộc đón xuân vui vẻ, lành mạnh và bổ ích, như văn nghệ, thể thao, thi cấy, v.v..

Thanh niên Lỗ Khê còn có kế hoạch làm cho cần kiệm thành một nền nếp thường xuyên trong đời sống mới, đạo đức mới. Những việc tốt mà thanh niên Lỗ Khê làm được, thì chắc thanh niên các nơi khác cũng làm được và mọi người công dân chúng ta cũng làm được. Cầnkiệm là hai đạo đức cách mạng làm cho chúng ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ủng hộ đắc lực cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào ta ở miền Nam.

Nhân nói về cần kiệm, cần nêu lên vài việc tốt đẹp sau đây: Thí dụ: Sau khi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ lương thực vụ mùa 1963, có nhiều địa phương cán bộ, đảng viên và đoàn viên đã xung phong tiết kiệm để bán thêm lương thực theo giá khuyến khích cho Nhà nước và được đồng bào làm theo. Kết quả là có những hợp tác xã nông nghiệp đã bán hàng chục tấn và những huyện bán hàng trăm tấn thóc theo giá khuyến khích cho Nhà nước. Thế là rất tốt và đáng khen!

T.L.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 3582, ngày 18-1-1964, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.239-241.


[1]. Nay là xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.