Vừa rồi, cùng trong một thời gian, Chủ tịch Khơrútsốp, lãnh tụ cộng sản đi thăm bốn nước châu Á, Tổng thống Aicơ, trùm đế quốc chủ nghĩa, đi thăm bốn nước Nam Mỹ. Đối với hai vị đại biểu của hai chế độ khác nhau, cách đón tiếp của nhân dân các nước cũng hoàn toàn khác nhau.
Đồng chí Khơrútsốp đến đâu cũng có hàng chục vạn người đón chào cực kỳ thân mật và nhiệt liệt. Có khi đồng chí đã xuống xe để thân ái bắt tay quần chúng. Lời thắm thiết sau đây có thể đại biểu tấm lòng vô cùng nhiệt tình của nhân dân các nước đối với vị Thủ tướng Liên Xô.
"Chủ tịch Khơrútsốp là tượng trưng tình hữu nghị mật thiết giữa các dân tộc, tượng trưng sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc thực dân, tượng trưng một xã hội phồn thịnh và công bằng cho cả loài người, tượng trưng hòa bình lâu dài và hợp tác anh em giữa các dân tộc trên thế giới…" (Lời Tổng thống Xucácnô).
Điều đó rất dễ hiểu, vì đồng chí Khơrútsốp đã mang đến cho các nước ấy sự chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị. Đồng chí đã nhiệt liệt ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, đã kêu gọi giải phóng dân tộc, đã kêu gọi giải trừ binh bị triệt để và hoàn toàn. Đồng chí đã giúp đỡ vô tư các nước ấy về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa… (Năm nay, Liên Xô giúp tiền và máy cho 23 nước xây dựng 393 xí nghiệp lớn, để họ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân).
Các báo chí tư sản cũng đều nhận rằng cuộc đi thăm của đồng chí Khơrútsốp đã thành công to. Dù đồng chí đã đi một cách rất thảnh thơi, giản dị:
Một bầu rượu, một cây đàn,
Máy bay một chiếc, quan san nghìn trùng.
Tổng thống Aicơ thì đi một cách khác hẳn:
Xôn xao điều tướng, động binh,
Đi thăm không khác viễn chinh nước thù!
Để tránh những cuộc "hoan nghênh quá rầm rộ", trước khi đi, ông Aicơ đã phái tàu chiến và đại đội binh mã đến các nước Nam Mỹ. Và để khỏi phải đi qua các đường phố, mười chiếc máy bay trực thăng đã chở tổng thống từ các trường bay đến tận các sứ quán Hoa Kỳ. Chính phủ các nước Nam Mỹ thì động viên hàng trăm mật thám và hàng vạn cảnh binh để bảo vệ ông Aicơ. Bọn mật thám Mỹ còn đòi lục soát cả phủ tổng thống Bơrêdin!
Dù đề phòng nghiêm ngặt như vậy, ông Aicơ đến đâu cũng gặp nhiều cuộc "hoan nghênh" với những khẩu hiệu: "Đánh đổ đế quốc Mỹ!", "Aicơ cút về đi!", "Cách mạng Cu Ba muôn năm!".
Các đoàn thể nhân dân và các báo chí Nam Mỹ đều đồng thanh tuyên bố: "Cuộc đi thăm của Aicơ là một âm mưu của đế quốc Mỹ phá hoại cách mạng Cu Ba và tăng cường sự áp bức bóc lột của chúng đối với nhân dân Nam Mỹ"… "Khẩu hiệu hòa bình hữu nghị của Aicơ chỉ là những lời bịp bợm…",… "Mục đích của Hoa Kỳ hoàn toàn trái ngược với lợi ích của nhân dân Nam Mỹ chúng ta"…
Ông Aicơ "miệng thì không ngớt "nam mô",
Nhưng bụng thì đầy một bồ dao găm".
Đây là vài chứng cớ: Từ năm 1946 đến năm 1948, đại tư bản Hoa Kỳ đầu tư ở Nam Mỹ 18.100 triệu đôla, mà chúng đã thu được 25.700 triệu đôla tiền lãi. Từ năm 1951 đến năm 1959, chúng đã trực tiếp hoặc gián tiếp tổ chức mười lăm cuộc phản cách mạng ở mười một nước Nam Mỹ.
Ở đoạn đi thăm cuối cùng là Môngtêviđeo (thủ đô Urugoay), ông Aicơ cũng vấp phải hai cuộc biểu tình liên tiếp, và bị lựu đạn chảy nước mắt làm cho rơi lệ tràn trề. Xúi quẩy hơn nữa là chiếc máy bay chở đội bát âm của ông ta đã bị nạn, 66 người đã ô hô ai tai!
Cuộc đi thăm của tổng thống Mỹ đã kết thúc như mọi người đều biết. Vậy có thơ rằng:
Hai người, hai cuộc đi thăm,
Người thân ái lắm, kẻ căm ghét nhiều.
T.L.
----------------------
Báo Nhân Dân, số 2178, ngày 5-3-1960, tr.5.