- Trước đây 30 năm, đồng chí Cao Sỹ Kỳ (người Trung Quốc) nghiên cứu khoa học vi trùng ở một trường đại học Mỹ chẳng may bị lây bệnh vi trùng, đồng chí Cao trở nên người tàn tật. Chân không bước đi được, tay không hoạt động được. Mắt hễ nhắm lại thì phải xoa bóp một hồi lâu mới mở ra được. Răng không nhai được thức ăn. Miệng hầu như câm, chỉ nói được ú ớ! Nhưng đầu óc vẫn sáng suốt, tinh thần rất quật cường, đồng chí Cao quyết vượt mọi đau khổ và đem hết những hiểu biết của mình góp phần vào công việc giáo dục những tri thức khoa học cho thiếu niên, nhi đồng.

Hơn 20 năm, đồng chí Cao không ngừng cố gắng soạn những sách nhỏ và "thơ khoa học". Từ những cái nhỏ như nguyên tử đến những cái to như bầu trời; từ những cái hàng ngày thường trông thấy như rừng núi, thuyền bè… đến những cái "bao la vũ trụ" như không gian, thời gian,… đồng chí Cao đều trình bày với cách nói phổ thông, dễ hiểu, như kể chuyện đời xưa, hoặc bằng thơ ca. Vì vậy thiếu niên, nhi đồng rất ưa thích những sách khoa học ấy.

Chỉ kể từ năm 1949 đến nay, đồng chí Cao đã soạn các sách nhỏ khoa học gồm hơn 50 vạn chữ và 5.000 bài thơ khoa học.

Tay không viết được, miệng nói không rõ, đồng chí Cao Sỹ Kỳ nhờ có người bí thư tận tụy và "hiểu" được tiếng nói của mình - là đồng chí Cao Ngưỡng Chi chép ra các bộ sách và thơ ca ấy…

- Trong Cách mạng Tháng Mười, đồng chí Cônôvalốp là một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô. Bị thương nặng ở mặt trận, Cônôvalốp phải cưa mất hai chân. Tuy bị tàn tật, đồng chí ấy không hề ngừng hoạt động: làm thơ ca, làm chủ tịch xô viết xã, làm chủ nhiệm nông trang tập thể, làm người giữ kho nông trường quốc doanh…

Năm nay, đồng chí Cônôvalốp đã 63 tuổi. Mặc dù cấp trên và vợ con khuyên mãi, đồng chí ấy không chịu về hưu. Đồng chí nói: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân mà lao động, thì dù tuổi già làm được công việc rất nhỏ, cũng là sung sướng"!

Một hôm, cách đây hai năm, sau khi nghe đài phát thanh truyền đến lời Trung ương Đảng kêu gọi phát triển chăn nuôi, và câu chuyện người anh hùng nuôi lợn ở Ucơren, đồng chí Cônôvalốp đến xin ban quản trị nông trường giao cho mình phụ trách nuôi 600 lợn. Thấy đồng chí Cônôvalốp tuổi già lại tàn tật, ban quản trị không tán thành. May gặp đồng chí bí thư Đảng ủy lắng nghe kế hoạch táo bạo của Cônôvalốp, rồi ôn tồn hỏi: "Vậy bác cần mấy người giúp việc?". Đồng chí Cônôvalốp trả lời: "Cho tôi một con ngựa và một cái xe bốn bánh là đủ rồi".

Kết quả: Năm ngoái Cônôvalốp đã nộp cho Nhà nước 1.126 lợn béo, tức là đã hoàn thành vượt mức gần gấp đôi kế hoạch và với giá thành rất hạ. Năm nay, lão đồng chí Cônôvalốp định nuôi tăng số lợn lên 1.500 con.

Bà con nông dân châu Mátxcơva tặng cho đồng chí Cônôvalốp một cái danh hiệu rất vẻ vang là "Anh hùng chăn nuôi cụt chân".

Quyết tâm vượt mọi khó khăn, đau khổ để phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ nhân dân - hai đồng chí trên đây là gương sáng cho tất cả chúng ta, những người lao động chân tay và lao động trí óc.

T.L.

------------------------

[1] Lược trích Nhân Dân Nhật Báo (Bắc Kinh).

Báo Nhân Dân, số 2636, ngày 9-6-1961, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.