Nền độc lập, tự chủ của nhân dân Nam Dương ngày càng được củng cố. Yêu cầu hòa bình, dân chủ của nhân dân Nam Dương không ngừng lên cao. Thành công của Hội nghị Á - Phi, của việc Thủ tướng Amítgiôgiô sang thăm Trung Quốc đã tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Nam Dương với nhân dân các nước ở châu Á và châu Phi cùng chung ý chí mở rộng khu vực hòa bình, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước, phản đối chính sách thực dân xâm lược. Nhân dân Nam Dương đang ráo riết chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng 9 sắp tới; các lực lượng yêu nước, dân chủ, hòa bình, đứng đầu là Đảng Cộng sản Nam Dương, chắc chắn sẽ thắng, các lực lượng phản động do hai đảng có quan hệ trực tiếp với đế quốc Mỹ và thực dân Hà Lan là Đảng Hồi giáo phản động Mátgiuymi và Đảng Xã hội tập hợp nhất định sẽ thất bại. Tất cả những điều đó làm cho đế quốc Mỹ, thực dân Hà Lan và bọn tay sai của chúng lo sợ. Chúng ra sức phá hoại độc lập, tự chủ, dân chủ, hòa bình của Nam Dương. Dựa vào thế lực kinh tế rất mạnh[1] mà chúng vẫn nắm được ở Nam Dương, chúng gây nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân Nam Dương và cho nền tài chính quốc gia của Nam Dương. Những sản phẩm xuất cảng chính của Nam Dương như cao su, thiếc, dầu hỏa đều bị đế quốc Mỹ đánh sụt giá làm cho ngoại thương của Nam Dương lúng túng[2].

Trong quân đội Nam Dương, bọn đế quốc còn duy trì được một phần ảnh hưởng và có một bọn sĩ quan thuộc các Đảng Xã hội và Mátgiuymi là tay sai của chúng. Chúng mưu dùng thế lực quân sự đó để gây rối loạn. Từ lâu, Đảng Hồi giáo phản động Mátgiuymi theo lệnh Mỹ và thực dân Hà Lan đã tổ chức bọn ăn cướp Đarunítlam quấy rối ở nhiều nơi.

Trước ngày Hội nghị Á - Phi họp ở Băng Đung, chúng đã có những hành động bạo động nhưng bị đánh lui.

Ngày tổng tuyển cử ở Nam Dương đã gần đến, đế quốc Mỹ, thực dân Hà Lan và các hạng tay sai của chúng càng hoạt động ráo riết hơn hòng lật đổ Chính phủ Amítgiôgiô là một chính phủ liên hiệp tán thành tổng tuyển cử, tán thành hòa bình, độc lập, dân chủ. Ngày 26-6-1955, nhân việc Chính phủ Amítgiôgiô cử tướng Utôgiô làm Tham mưu trưởng lục quân thay viên đại tá Ubít (Quyền Tham mưu trưởng), chúng xúi một số sĩ quan cao cấp không phục tùng nghị quyết của Chính phủ và đòi Chính phủ Amítgiôgiô từ chức. Trong khi đó ở Quốc hội, các nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội, Đảng Hồi giáo phản động Mátgiuymi, không chịu thông qua việc hủy bỏ khối liên minh Nam Dương - Hà Lan và không chịu đến dự Quốc hội. Những hành động chống lại Chính phủ rõ ràng có một sự chỉ huy thống nhất. Giữa lúc tình hình Nam Dương đang phức tạp thì tên Puriphoa, Đại sứ Mỹ ở Thái Lan trước đã trực tiếp chỉ huy việc đánh đổ Chính phủ dân chủ ở Goatêmala năm 1954 lại ngấp nghé sang Nam Dương. Đó không phải là một việc ngẫu nhiên. Do những khó khăn nói trên, Chính phủ Amítgiôgiô đã xin từ chức ngày 24-7-1955.

Tình hình Nam Dương đang trở nên căng thẳng. Ngày 23-7-1955, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nam Dương đã ra bản tuyên bố kêu gọi nhân dân Nam Dương đề cao cảnh giác trước nguy cơ thành lập chế độ độc tài quân phiệt ở Nam Dương và trước sự can thiệp của đế quốc vào nội trị Nam Dương. Đảng Cộng sản Nam Dương kêu gọi những lực lượng yêu nước ở Nam Dương tăng cường đoàn kết và bảo vệ Quốc hội dân chủ, bảo vệ Hiến pháp lâm thời. Lời kêu gọi thiết tha của Đảng Cộng sản Nam Dương có tiếng vang mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân Nam Dương. Các lực lượng yêu nước và dân chủ ở Nam Dương đã lớn mạnh là thành trì kiên cố chặn âm mưu xâm lược và phá hoại của bọn đế quốc và tay sai.

Những việc xảy ra ở Nam Dương đem lại cho các nước ở châu Á một bài học quan trọng. Bài học ấy thúc đẩy nhân dân các nước châu Á không ngừng nâng cao cảnh giác, tích cực chống sự xâm lược của phe đế quốc do Mỹ cầm đầu, không ngừng tăng cường đoàn kết các lực lượng yêu nước và hòa hình, kịp thời trấn áp mọi hoạt động phá hoại.

T.L.

------------

- Báo Nhân Dân, số 512, ngày 28-7-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.58-60.


[1]. Thực dân Hà Lan chiếm tới 80% công nghiệp Nam Dương và 20% tổng số ruộng đất. Thế lực kinh tế của Mỹ cũng rất mạnh (BT).

[2]. Giá cao su năm 1953 chỉ bằng 1 phần 3 giá năm 1951 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.