Củng cố hòa bình ở Cao Miên không những là nguyện vọng thiết tha của nhân dân Khơme mà còn là sự quan tâm chung của nhân dân Đông Dương và Đông Nam Á. Hòa bình ở Cao Miên không thể tách rời hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Bởi vậy, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước khác ở Đông Nam Á không thể không lo lắng khi thấy đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Cao Miên. Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực thì đế quốc Mỹ lập Khối xâm lược Đông Nam Á, đặt Cao Miên (cùng với Lào và miền Nam Việt Nam) dưới sự “bảo hộ” của khối đó. Đế quốc Mỹ liên tiếp cử các đoàn quân sự Thái Lan sang Cao Miên để mưu kéo Cao Miên vào khối quân sự xâm lược “Cửu Long”. Việc Chính phủ nhà vua Cao Miên ký hiệp ước “viện trợ quân sự” với đế quốc Mỹ ngày 16-5-1955 vừa rồi là một sự uy hiếp nghiêm trọng đối với hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á, trước hết là đối với hòa bình và các quyền dân tộc của nhân dân Khơme. Do hiệp ước này, đế quốc Mỹ sẽ nắm chặt quân đội Cao Miên, biến nó thành công cụ đánh thuê cho Mỹ, biến nó thành cái mộc đỡ đạn cho Mỹ trong những cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ đã lăm le gây lại ở Đông Dương và mở rộng ra Đông Nam Á. Do hiệp ước đó, đế quốc Mỹ sẽ biến Cao Miên thành căn cứ quân sự và thuộc địa Mỹ. Hiệp ước “viện trợ” quân sự Mỹ - Cao Miên ngày 16-5-1955 sẽ tạo điều kiện cho đế quốc Mỹ thực hiện lời tên Méclinhtốc, đại sứ Mỹ ở Cao Miên, đã nói từ lâu là quyết biến Cao Miên thành pháo đài của Mỹ. Bàn chân xâm lược của đế quốc Mỹ dấn sâu vào Cao Miên làm cho nhân dân Khơme đứng trước nguy cơ mất an cư lạc nghiệp, quyền dân tộc bị xâm phạm.

Báo Đoàn kết xuất bản ở Cao Miên nói rất đúng rằng “viện trợ Mỹ” là bước đầu của Mỹ để nắm quân đội Cao Miên, biến quân đội ấy thành một quân đội kiểu Lý Thừa Vãn hay Tưởng Giới Thạch rồi đem nó đi gây chiến. Khi đó, độc lập của Cao Miên sẽ mất, cả về kinh tế, quân sự và chính trị. Hòa bình sẽ bị thủ tiêu, nhân dân Khơme sẽ vô cùng cực khổ. Chính sách của Mỹ là “thả mồi giật câu”. Trước hết người ta “giúp” kinh tế, sau người ta “viện trợ” quân sự, cuối cùng người ta lột da. Báo Đoàn kết phản ánh nỗi lo ngại rất chính đáng của nhân dân Khơme trước những hoạt động xâm lược của đế quốc Mỹ.

Nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân châu Á và châu Phi rất bất bình thấy tại Hội nghị Á - Phi, đại biểu Chính phủ nhà vua Cao Miên đã cùng với 28 nước cam kết kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức, nay lại ký một hiệp ước quân sự mở rộng cửa cho thực dân Mỹ là tên thực dân nguy hiểm nhất can thiệp vào Cao Miên, một vị trí quan trọng ở trung tâm châu Á. Ký hiệp ước quân sự với đế quốc Mỹ, Chính phủ nhà vua Cao Miên đã làm trái hẳn với những lời tuyên bố của Hoàng thân Xihanúc ở Băngđung: Cao Miên “kiên quyết theo đuổi chính sách dựa trên nguyên tắc chung sống và đứng trong khối của những nước trung lập trong đó có Ấn Độ và Diến Điện”. Tại Hội nghị Băngđung, Hoàng thân Xihanúc yêu cầu các nước “không uy hiếp độc lập, lãnh thổ toàn vẹn, an ninh, phong tục, tập quán, chế độ chính trị của Cao Miên. Những nước láng giềng với Cao Miên và các nước Á, Phi hết sức tôn trọng lời yêu cầu ấy. Nhưng, ký hiệp ước quân sự với đế quốc Mỹ, chính Chính phủ nhà vua Cao Miên đã tự mình rước kẻ cướp vào nhà.

Việc Chính phủ nhà vua Cao Miên ký hiệp ước quân sự với Mỹ là trái với những nghị quyết của Hội nghị Á - Phi và vi phạm nghiêm trọng những điều 9 nước đã cam kết ở Hội nghị Giơnevơ, vi phạm nghiêm trọng ngay cả lời cam kết của đại biểu Chính phủ nhà vua Cao Miên. Ngày 21-7-1954, Chính phủ nhà vua Cao Miên đã trịnh trọng cam kết rằng: “Chính phủ nhà vua Cao Miên sẽ không tham gia bất cứ một hiệp ước nào, nếu hiệp ước ấy bắt buộc Chính phủ nhà vua Cao Miên vào một liên minh quân sự trái với những nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc hoặc trái với những nguyên tắc của hiệp định đình chiến, hoặc do hiệp ước ấy mà ngoại quốc lập căn cứ quân sự trên đất Cao Miên”.

Hiệp ước “viện trợ” quân sự ký giữa Chính phủ và nhà vua Cao Miên và đế quốc Mỹ ngày 16-5-1955, hoàn toàn trái với Hiến chương Liên hợp quốc, trái với những nguyên tắc đã ghi trong Hiệp định đình chiến ở Cao Miên vì thực chất của nó là một hiệp ước xâm lược quân sự.

Đảm bảo hòa bình và các quyền dân tộc của nhân dân các nước ở Đông Dương là nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ và các nghị quyết của Hội nghị Á - Phi, là ăn ở hòa bình với nhau trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống, là tăng cường đoàn kết với nhau, kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân đứng đầu là đế quốc Mỹ. Làm trái như thế là gây tình hình căng thẳng ở Đông Dương, có hại cho hòa bình châu Á và thế giới.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 453, ngày 30-5-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.9, tr.491-493.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.