Các nước đi với đế quốc Mỹ đều bị Mỹ chèn ép sống dở chết dở về mọi mặt. Nói riêng về mặt kinh tế, Mỹ ép các nước theo Mỹ phải quân sự hóa kinh tế, làm cho nền kinh tế dân sinh các nước đó lao đao. Mỹ không cho các nước theo Mỹ được tự do kinh doanh với các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, không bán cho khối dân chủ những hàng hóa gọi là “chiến lược”. Chính sách cấm đoán của Mỹ đã bóp nghẹt nền ngoại thương các nước tư bản. Hai nguy cơ kinh tế khác của các nước tư bản theo Mỹ là: 1) Trong việc giao dịch thương mại với Mỹ, Mỹ bán nhiều mua ít gây nên nạn khan hiếm tiền tệ ngoại thương; 2) Bị Mỹ dần dần cướp mất thị trường.

Bị Mỹ đẩy vào nạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhân dân và nhiều giới công thương các nước tư bản kịch liệt phản đối đế quốc Mỹ và tay sai của chúng, đòi tự do kinh doanh với Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân. Kinh doanh với Liên Xô và khối dân chủ thì chỉ có lợi. Căn cứ vào nguyên tắc các chế độ xã hội khác nhau có thể cùng chung sống hòa bình, chính sách ngoại thương của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân là phát triển việc trao đổi kinh tế trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Sức mua của khối dân chủ nhân dân rất lớn. Buôn bán với khối dân chủ có thể dùng lối lấy hàng đổi hàng. Thấy rõ lợi ích buôn bán với Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, nhiều chính phủ tư bản và nhiều giới kinh doanh phương Tây bất chấp sự ngăn cấm của đế quốc Mỹ đã ký nhiều hiệp ước và hợp đồng thương mại với Liên Xô và khối dân chủ nhân dân, như hiệp ước Xô - Phần Lan, Xô - Anh, Xô - Pháp, v.v..

Hiệp ước thương mại Xô - Pháp ngày 10-11 vừa qua là thêm một đòn đánh vào chính sách của đế quốc Mỹ cấm tự do kinh doanh giữa Đông và Tây. Nó góp phần khôi phục nền kinh tế Pháp; nó là một bước tiến trong việc nối lại và phát triển quan hệ thương mại giữa Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân và các nước Tây Âu.

Trong tình hình hiện nay, những sự trao đổi kinh tế và văn hóa giữa các nước ngày càng phát triển là những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp củng cố hòa bình và được nhân dân toàn thế giới nhiệt liệt hoan nghênh.

T.L.

---------

- Báo Nhân Dân, số 264, ngày 16-11-1954, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.119-120.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.