Ngày 10-6-1963, tổng Ken nói chuyện ở một trường đại học Mỹ. Đề mục bài nói chuyện là "Chiến lược hòa bình".

Bài nói chuyện dài khoảng 6.000 chữ, mà y đã lặp đi lặp lại chữ "hòa bình" 92 lần.

Tổng Ken nói những lời ngon ngọt như "mật rót vào tai". Ví dụ:

"Mỹ kiên trì phấn đấu cho hòa bình...

"Mỹ sẵn sàng cùng bất kỳ chế độ nào trên quả đất thi đua hòa bình...

"Mỹ làm hết trách nhiệm của mình nhằm xây dựng một thế giới hòa bình...

"Muốn giữ gìn hòa bình, thì phải để cho nhân dân các nước tự chọn lấy tiền đồ của họ...

"Vũ khí của Mỹ không có tính chất khiêu hấn... bộ đội của Mỹ là để ra sức công tác cho hòa bình...

"Nếu tất cả các nước đều không can thiệp đến quyền tự quyết của nước khác, thì hòa bình sẽ được bảo đảm.

"Mỹ không muốn có chiến tranh... nhưng Mỹ cũng phải làm hết trách nhiệm của mình để xây dựng một thế giới hòa bình...".

Vân vân và vân vân... tổng Ken nói thì hay đấy, nhưng "ngôn bất cố hành".

Xin hỏi ngài Ken:

Hơn một triệu binh sĩ Mỹ đóng ở nước ngoài, hơn 100 căn cứ quân sự và tên lửa Hoa Kỳ ở các nước chư hầu Mỹ. Phải chăng để xây dựng một thế giới hòa bình?

Quân đội Mỹ chiếm đóng Ôkinaoa, Đài Loan, Nam Triều Tiên, Nam Việt Nam, Thái Lan, Goantanamô (Cu Ba) và những nơi khác... Phải chăng đó là để đấu tranh cho hòa bình?

Mỗi năm, Mỹ tốn hàng chục tỉ đôla để chế tạo hàng loạt bom hạt nhân (chính ông đã thú nhận rằng sức phá hoại của một quả bom này cũng to bằng tất cả số bom cộng lại của các nước Đồng minh đã thả trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai). Phải chăng đó là để chuẩn bị một cuộc "hòa bình lâu dài, đời đời kiếp kiếp"?

Một vạn rưỡi "cố vấn" Mỹ, hàng trăm chó ngao Mỹ, hàng chục tướng tá Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Phải chăng đó không phải là can thiệp đến nước khác? Tàu bay Mỹ dội napan và thuốc độc đốt cháy làng mạc, phá hoại mùa màng, giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam. Phải chăng đó là để cho nhân dân miền Nam "tự chọn lấy tiền đồ của họ"?

Những rừng cây trơ trụi và cột nhà cháy xém bởi bom napan, hàng nghìn cái thây còng queo của đàn bà và trẻ con chết bởi thuốc độc Mỹ - đang giơ lên như những cánh tay thù hằn chỉ vào mặt nạ ông, nghiêm khắc tố cáo tội ác của ông và thét lên: Kennơđi, chàng nói láo!

“Chó sói học nói giọng cừu”. Lời đường mật của tổng Ken chẳng những không lừa bịp được nhân dân nước ngoài, mà cũng không lừa bịp được đồng bào Mỹ của y. Thí dụ:

Ngày 1-3-1963, hơn 60 nhân sĩ dân chủ Mỹ đã gửi thư cho tổng Ken đòi chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở miền Nam Việt Nam.

10-4, "Hội thanh niên chống phát xít và chống chiến tranh" Mỹ đã rải truyền đơn chống Chính phủ Mỹ gây chết chóc và tàn phá ở miền Nam.

14-4, tờ báo Mỹ Người chiến sĩ viết: "Do cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam, Chính phủ Ken đang bôi nhọ danh dự của nước Mỹ...".

5-5, ADA (một tổ chức của những người Mỹ dân chủ) đã ra nghị quyết đòi rút nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

23-5, nhân dân thành phố Nữu Ước đã biểu tình bao vây tổng Ken và hô những khẩu hiệu: "Không được can thiệp vào Cu Ba! Rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam!". Mặc dù có 50 chiếc xe quân sự bảo vệ, để đi vào khách sạn, tổng Ken buộc phải chui theo cửa sau!

Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân lương thiện trên thế giới ai cũng muốn hòa bình. Nhưng phải đoàn kết đấu tranh chống đế quốc thực dân thì mới giành được hòa bình thật sự. Còn bọn trùm đế quốc như tổng Ken đều là: "Khẩu Phật tâm xà; miệng là Bồ Tát, bụng là Xa Tăng!".

CHIẾN SĨ

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 3380, ngày 29-6-1963, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.131-133.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.