Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông thôn, long trời chuyển đất. Không những nó quan hệ trực tiếp với giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ, mà còn ảnh hưởng lớn đến nhiều tầng lớp khác. Do đó mà có vấn đề thành phần giai cấpquan hệ gia đình. Những đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng), hoặc bản thân là địa chủ, hoặc là con em địa chủ, đều suy nghĩ và lo lắng về vấn đề ấy.

Đối với giai cấp địa chủ, nông dân cũng không "vơ đũa cả nắm", mà có phân biệt: Đối với những địa chủ thật thà tuân theo pháp luật, thì giúp đỡ cải tạo. Đối với những địa chủ cường hào gian ác, đã có nhiều nợ máu, lại ngoan cố phá hoại thì mới trừng trị. Giáo dục cải tạo là chính.

Còn vấn đề thành phần và quan hệ - Trước khi ra đời, người ta không thể lựa chọn sinh ra ở giai cấp nào, ở gia đình nào. Thành phần giai cấp nhất định có ảnh hưởng đến tư tưởng của con người. Nhưng nó không phải là một ảnh hưởng quyết định, không khắc phục được. Khi đã đứng vào hàng ngũ cách mạng, đã được Đảng và nhân dân rèn luyện, người ta có thể đấu tranh và thoát ly ảnh hưởng của giai cấp xấu, thoát ly những quan hệ xấu.

Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình (địa chủ) có ảnh hưởng thế nào, điều quyết định vẫn là do bản thân mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ. Nếu người đảng viên và người cán bộ có chí khí kiên cường, tư tưởng vững chắc, lập trường dứt khoát, quyết tâm phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân, thật thà thi hành những chính sách của Đảng và Chính phủ, thì nhất định đánh tan được ảnh hưởng ấy, và vẫn được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin cậy.

Trước kia, Các Mác là con một nhà quý phái, Ăngghen là con một nhà tư bản. Nhưng hai ông đã hoàn toàn dâng mình cho cách mạng và thành những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản. Gần ta đây, ở tỉnh Quảng Đông, người đầu tiên tổ chức và lãnh đạo nông dân kịch liệt chống lại giai cấp địa chủ là đồng chí Bành Bái, con một nhà đại địa chủ, đại phong kiến. Ở nước ta cũng từng có những địa chủ và con cháu địa chủ, sau khi tham gia cách mạng, đã thật thà cải tạo, dứt khoát với giai cấp cũ và quan hệ cũ, đã trở nên những đảng viên tốt, những cán bộ tốt.

Một thí dụ: Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thì HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho.

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng.
Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 757, ngày 30-3-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.298-299.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.