Nhân dân Việt Nam cùng nhân dân khắp thế giới nhiệt liệt hoan hô những thắng lợi mới của khoa học và kỹ thuật Liên Xô.

Hồi tháng 6, Liên Xô đã phóng thành công một tên lửa nặng 2.100 kilô lên cao 208 cây số mang theo hai con chó và một con thỏ. Khi bay trở về đất, 3 “hành khách” đều bình an vô sự.

Hôm mùng 5 và mùng 7 tháng này, Liên Xô đã hai lần phóng thành công tên lửa nhiều tầng rất mạnh đến biển Thái Bình Dương. Tên lửa đã bay 13.000 cây số, mà tầng cuối cùng của nó đã xuống đúng ngay bên cạnh mục tiêu đã định trước. Nhân dịp này, chúng ta nên chú ý một điều quan trọng là tên lửa và vệ tinh của Liên Xô bay ngày càng xa, lên ngày càng cao và hình ngày càng to. Thí dụ:

Vệ tinh số 1 nặng 83 kilô

Vệ tinh số 2 nặng 508 kilô

Vệ tinh số 3 nặng 1.327 kilô

Vệ tinh số 4 nặng 4.540 kilô

Cùng ngày 7 tháng 7 thì Mỹ đã thất bại một keo nữa. Hôm đó, một chiếc tàu thủy đặc biệt của Mỹ đã phóng một tên lửa “Polarit” dài 24 thước. Vừa phóng khỏi tàu chừng 20 thước, thì tên lửa nhào đầu xuống biển để trẫm mình rồi bốc cháy dữ dội. Những người đứng trên bờ biển cách đó 12 cây số cũng thấy nước biển sôi sục và nghe tiếng nổ vang ầm.

Nhân đây tôi muốn kể cho bà con nghe một chuyện buồn cười: Cuối năm ngoái, khi Liên Xô thành công chụp ảnh phía sau mặt trăng, các em nhi đồng Việt Nam ta (người lớn cũng vậy), tuy không hiểu mấy về kỹ thuật tinh vi, nhưng đều tin tưởng và mừng rỡ. Không ngờ một tờ báo to ở nước Hy Lạp Kathimerini lại không tin. Báo ấy viết: “Không ai tin được chuyện những máy móc đưa vệ tinh vào quỹ đạo, rồi tự động chụp ảnh phía sau lưng mặt trăng. Chắc có một người ở trong vệ tinh ấy”. Báo ấy viết tiếp: “Có hàng vạn người vô phúc đã bị đưa vào những “căn cứ bí mật” và bị đày vào bầu trời theo con chó Laika1”, điều đó làm cho đau lòng những người phương Tây có lương tâm… Người Nga không nói rõ có một người trong vệ tinh, vì họ sợ dư luận Mỹ sẽ trách móc, do đó mà sự khen ngợi của cuộc phóng vệ tinh sẽ bị giảm sút…

Tờ báo Hy Lạp này vì dốt dại mà không tin vào sự tiến bộ của khoa học, hay là vì tâm lý chống cộng đã làm cho nó đui mù? Dù sao tiếng sủa vu vơ của nó cũng không trăn trở được mảy may khoa học Liên Xô đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

T.L.

----------------

Báo Nhân Dân, số 2305, ngày 11-7-1960, tr.2.

1. Con chó đi lên vũ trụ đầu tiên (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.