Phóng một tên lửa lên cao 48 vạn cây số, đi vòng đến sau lưng mặt trăng, rồi tự động chụp ảnh, rửa ảnh, rồi truyền ảnh về cho các trạm khoa học ở dưới đất. Thật là một việc kỳ lạ, từ lúc có loài người chưa ai làm được. Mà nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khoa học Liên Xô đã làm được.

Thành công vẻ vang ấy làm cho nhân dân khắp thế giới đều hoan hô, làm cho những người khoa học các nước tư bản đều phải kính phục, làm cho các báo chí (kể cả báo chí phản động Mỹ) cũng phải ca tụng không ngớt lời.

Suốt hai năm qua (từ 4-10-1957 đến 4-10-1959), Liên Xô tiếp tục phóng thành công sáu vệ tinh và tên lửa. Quả vệ tinh đầu tiên đã làm rung động cả thế giới. Sau đó, mỗi lần lại làm cho thế giới càng rung động thêm.

- Tên lửa số 1 bay quanh mặt trời.

- Tên lửa số 2 bay vào mặt trăng.

- Tên lửa số 3 chụp ảnh chị Hằng sau lưng!

Từ khoa học đời xưa cho rằng trời tròn và đất vuông, nay nhờ khoa học Liên Xô mà người ta biết rõ những hiện tượng của nhiều ngôi sao láng giềng với quả đất chúng ta. Thật là một tiến bộ cực kỳ vĩ đại!

Trong hai năm qua, Mỹ cũng đã phóng 13 vệ tinh và tên lửa. Song nhiều lần đã thất bại. Còn mấy vệ tinh bay được thì to bằng quả cam, nó đi đâu không ai thấy, nó về đâu không ai hay. Các người khoa học Mỹ đã phải nhận rằng: So với khoa học tên lửa Liên Xô thì Mỹ đã lạc hậu năm năm. Ông Gơlinan, Giám đốc Hội hàng không vũ trụ Mỹ, đã phải nhận rằng sức của tên lửa mạnh nhất của Mỹ cũng chỉ bằng một nửa sức mạnh của tên lửa Liên Xô. Những thất bại của Mỹ đã buộc những người khoa học nổi tiếng và phụ trách chế tạo tên lửa (như trung tướng Mêđarít và giáo sư Vông Brao phải xin từ chức).

Đối với những hiểu biết mới lạ do vệ tinh và tên lửa của mình đem lại, Liên Xô đều công bố cho thiên hạ biết, nhưng Mỹ thì không công bố và giữ kín làm của riêng.

Chẳng những thế, Mỹ chưa có tên lửa "đổ bộ" vào mặt trăng, mà bọn quân phiệt Mỹ đã bàn đến việc dùng mặt trăng làm nơi căn cứ quân sự để ném bom xuống các nước không theo Mỹ! Và bọn tư bản độc quyền Mỹ đã tính đến việc chiếm đất trên mặt trăng để cho thuê!

Dù khoa học vệ tinh và tên lửa (cũng tức là khoa học quân sự) của mình hơn Mỹ, Liên Xô đã tuyên bố dứt khoát rằng những phát minh đó là của chung của thế giới nhằm mục đích lợi dụng sức thiên nhiên để phục vụ hạnh phúc cho loài người.

Hai thái độ thật là khác hẳn nhau.

Liên Xô lại mới phóng một tên lửa "chính trị" nó soi sáng phía đen tối và hung ác của thế giới (tức là chiến tranh xâm lược) và nêu ra phương pháp để xóa bỏ phía đen tối hung ác ấy. Tên lửa ấy tự tay đồng chí Khơrútsốp phóng ra, khi đồng chí đã đưa ra trước Hội đồng Liên hợp quốc đề nghị tài giảm quân bị, chấm dứt chiến tranh. Đề nghị ấy cũng đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp thế giới nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ.

Cách đây độ 100 năm, Các Mác đã nói: Người cộng sản hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người và hiểu biết xã hội để cải tạo xã hội cũ, xấu xa, thành một xã hội mới tốt đẹp, một xã hội cộng sản. Lời nói ấy nay đã thực hiện dần dần ở các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại.

TRẦN LỰC

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 2054, ngày 31-10-1959, tr.1, 4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.312-314.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.