Lần này là lần đầu tiên, một đoàn hát múa từ một nước tư bản (nước Nhật Bản) đến biểu diễn ở nước ta. Từ nước tư bản, nhưng không phải của nước tư bản, Đoàn Oarabida là của quần chúng công nông Nhật Bản.
Cũng như nhiều nước tư bản khác, nước Nhật Bản bị ảnh hưởng văn hóa trụy lạc của Mỹ lan tràn. Trước tình hình ấy, những người Nhật tiến bộ lấy làm lo.
Năm 1950, đồng chí Haratarô, đọc theo tiếng ta là Nguyên Thái Lang, người sáng lập kiêm Đoàn trưởng, tổ chức một nhóm hát múa ba người. Mục đích của nhóm là dùng lời hát, điệu múa dân gian để cổ động nhân dân đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ. Nhiệm vụ của nhóm là phục vụ quần chúng công nông.
Ba người với một cây đàn, họ đi hát lang thang ngoài phố, ăn đói mặc rách, không cửa không nhà. Họ lại thường bị bọn phản động áp bức đe dọa. Nhưng cực khổ, gian nan không làm sờn quyết tâm bền bỉ của họ.
Có chí thì làm nên, từ một nhóm ba người nay đã phát triển thành một đoàn có hơn 100 nghệ sĩ. Vài năm sau khi thành lập, Đoàn đã rời những thành thị lớn đi về nông thôn, ở huyện Thu Điền, phía bắc nước Nhật Bản. Mục đích của Đoàn là tìm tòi và phát triển vốn cổ nghệ thuật dân gian. Ở Thu Điền, các nghệ sĩ đã thật sự "ba cùng" với bà con nông dân, khiêm tốn học tập nông dân. Khi công việc mùa màng rảnh, họ biểu diễn cho nông dân xem và nhờ nông dân phê bình, uốn nắn.
Suốt mấy năm rèn luyện gian khổ như vậy, Đoàn đã trở nên "trung tâm vận động nghệ thuật của dân tộc Nhật Bản" và "trước nguy cơ vô cùng nghiêm trọng của dân tộc Nhật Bản, hoạt động của Đoàn Oarabida càng có ý nghĩa to lớn" (lời của đồng chí Cao Thương Huy, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản).
Hầu hết đoàn viên đều là thanh niên nông dân, công nhân, học sinh, giáo viên... Những năm đầu Đoàn Oarabida thiếu thốn mọi thứ, mỗi ngày mỗi người được độ 5 hào tiền Việt Nam. Nhờ Đảng Cộng sản và quần chúng tiến bộ giúp đỡ và tình đoàn kết nhất trí của toàn thể đoàn viên, ngày nay lực lượng của Đoàn đã vững vàng và hoạt động của Đoàn ngày càng lan rộng. Chỉ trong một năm 1961, Đoàn đã biểu diễn hơn 500 lần khắp nơi trong nước.
Tên Oarabida đọc theo tiếng ta là "Quyết thảo". Quyết thảo là một loài hoa dại, nhân dân miền Bắc nước Nhật Bản rất ưa và sức phát triển của nó rất khỏe. Đoàn lấy tên Quyết thảo để tượng trưng tính quần chúng và sức trưởng thành của mình.
Chúng ta thành thật cảm ơn Đoàn Oarabida đã đưa nghệ thuật cách mạng Nhật Bản đến với nhân dân ta và chúng ta chúc Đoàn ngày càng phát triển và tiến bộ.
CHIẾN SĨ
------------------------
- Báo Nhân Dân, số 3516, ngày 13-11-1963, tr.4.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.202-203.