Ngày 27-6-1955, cùng với nhiều tỉnh khác, tỉnh Hà Nam đã bị một trận bão lớn. Hầu hết các kho thóc của Chính phủ để ở các thôn xóm đều bị bão làm tốc mái hoặc xiêu đổ. Nhân dân Hà Nam đã tích cực chống bão, bảo vệ kho thóc. Sau đây là một số thành tích:

Bà Loan ở Yên Lệnh, nhà có kho thóc của Chính phủ. Khi mưa bão, nhà bà bị gió tốc cả hai mái; bà đem hết chăn chiếu ra phủ lên thóc, nước chỉ ngấm hết chăn chiếu còn thóc không bị ướt.

Ông Kế và ông Lộc, ở xã Nam Hà trèo lên nằm úp trên mái, giữ cho khỏi tốc; ông Trác bị gió đánh lật nhào xuống đất, vẫn kiên quyết trèo lên để giữ mái.

Anh Hoan, tổ trưởng tổ nông hội thôn Thượng Ấm, ông Côn, trưởng xóm thôn Thụy Lôi, nhà bị đổ, vợ bảo ở nhà để chữa nhà, nhưng hai ông vẫn xung phong đi bảo vệ các kho gạo, và nói: "Nhà chữa sau, cốt bảo vệ thóc của Chính phủ đã!".

Bà Trác 61 tuổi, ở xã Quyển Sơn, có một mình ở nhà, khi mưa bão bà đã tự mình dỡ hết ngói gian buồng bà ở đem lợp thêm vào gian có thóc của Chính phủ.

Một số anh em học sinh lớp 6 ở thôn Mỹ Lộc có sáng kiến đào thóc gạo thành một lỗ trũng rồi giải vải nhựa lên trên để hứng nước, sau đó thay nhau dùng chậu múc nước đổ ra ngoài kho. Các anh em làm như thế suốt đêm đến sáng, nhờ đó thóc gạo đỡ bị ướt.

Nhờ tinh thần tích cực bảo vệ của công của nhân dân Hà Nam nên phần lớn các kho đã được sửa chữa ngay sau khi hết bão, đảm bảo đủ kho để tiếp tục cân, nhận thóc thuế nông nghiệp đúng thời hạn, đồng thời làm cho công quỹ đỡ thiệt hại.

Hoan nghênh tinh thần bảo vệ của công của đồng bào Hà Nam!

Tinh thần bảo vệ của công của những đồng bào nói trên cần phổ biến rộng rãi cho nhiều nơi khác.

H.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 513, ngày 29-7-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.61-62.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.