Dưới chế độ phong kiến, lao động trí óc tách rời hẳn với lao động chân tay. Trước đây hơn 2.500 năm, cụ Khổng Tử (“ông Thánh” khoa học Trung Quốc ngày xưa) đã mắc sai lầm đó. Một hôm học trò hỏi cụ Khổng về nghề làm ruộng và trồng cây. Ông cụ trả lời một cách cay cú: “Ta chả biết!”.

Tiếp tục phát triển cái sai lầm ấy, các nhà nho Trung Quốc đã có câu thơ: “Vạn ban giai hạ phẩm; duy hữu độc thư cao. Nghĩa là muôn nghề đều là thấp kém; chỉ nghề đọc sách là cao. Các nhà nho Việt Nam ta cũng đi theo con đường sai lầm ấy.

Để sửa chữa sai lầm cổ truyền ấy, chế độ xã hội chủ nghĩa đã nêu rõ khẩu hiệu: Phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay. Thực hiện đường lối đó, Hội nghị giáo dục toàn miền Bắc họp vào trung tuần tháng 9-1961 đã quyết định:

- Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa… nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học… lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Rất đúng! Nhân dịp này, chúng tôi muốn nêu gương một chi đoàn thanh niên lao động đã kết hợp chặt chẽ học với hành. Đó là Chi đoàn Bản Mới, (hợp tác xã Bản Mới, huyện Định Hóa, Thái Nguyên).

Chi đoàn này có 44 đoàn viên gái và trai, gồm năm dân tộc Tày, Nùng, Mán, Hoa, Kinh. Họ đều học lớp bổ túc văn hóa.

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi đoàn viên đã làm được 160 ngày công, 4.100 cân phân bón, 13 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 4 sào 10 thước, cùng gia đình nuôi 3 con lợn và 100 gà vịt.

Trong 44 đoàn viên có 2 nữ học sinh, đều 16 tuổi, đều học lớp 6, và đều vào hạng học khá.

- Cô Tho, người Tày, đã làm được 173 ngày công, 4.900 cân phân bón, 28 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 9 sào.

- Cô Xâm, người Hoa, đã làm được 102 ngày công, 3.100 cân phân bón, 8 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 4 sào.

- Thầy giáo Triệu Văn Chính, 24 tuổi, người Kinh, mỗi ngày dạy học một buổi, đã làm được 182 ngày công, 3.400 cân phân bón, 37 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 3 sào.

Như các đồng chí Chính, Xâm, Tho thật là học hay, cày giỏi.

T.L.

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2745, ngày 27-9-1961, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.203-204.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.