Ký Hiệp ước Mani, đặt miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào vào khu vực bảo hộ của khối xâm lược Đông Nam Á, đế quốc Mỹ và phe lũ đã vi phạm nghiêm trọng các Hiệp định Giơnevơ. Vin vào những điều khoản của Hiệp ước Mani, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào nội bộ các nước Đông Dương. Hội nghị khối xâm lược Đông Nam Á triệu tập vào 23 tháng 2 sắp tới ở Băng Cốc sẽ tạo thêm điều kiện cho đế quốc Mỹ uy hiếp các quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương, tiến thêm một bước phá hoại các Hiệp định Giơnevơ. Chứng cớ là chương trình nghị sự của Hội nghị Băng Cốc đã ghi vấn đề Đông Dương là một vấn đề quan trọng. Đế quốc Mỹ đang mưu bắt các chính phủ theo đuôi Mỹ phải thông qua kế hoạch xâm lược của chúng đối với các nước Đông Dương.

Kế hoạch này đang được Côlin ráo riết thực hiện. Côlin trực tiếp nắm quyền huấn luyện quân đội Bảo Đại, ra lệnh cho bọn Ngô Đình Diệm thành lập 6 sư đoàn mới, những quân đội của những phe đối lập với Diệm thì bị loại. Côlin ra lệnh cho Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp, bắt bớ những người yêu nước tán thành hòa bình, trả thù dã man những người trước đây tham gia kháng chiến, bất chấp những điều khoản đảm bảo tự do đã ghi rõ trong hiệp định đình chiến. Chúng khủng bố, dọa nạt nhân dân ngay cả lúc Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đang tiến hành điều tra (như ở Bình Thành và Mỏ Cày).

Cuối tháng 12-1954, Rátpho, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tới Sài Gòn, tuyên bố: Kiên quyết ủng hộ Ngô Đình Diệm chống các phe đảng khác, xây dựng quân đội Bảo Đại theo phương pháp đã thi hành ở Phi Luật Tân, thúc giục Ngô Đình Diệm lập mau một quốc hội bù nhìn. Những lời tuyên bố của Rátpho tỏ rõ kế hoạch xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đế quốc Mỹ ra sức ủng hộ Ngô Đình Diệm vì Diệm là tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ để phá hoại hòa bình ở Việt Nam. Ủng hộ Diệm thì tất nhiên đế quốc Mỹ không dung thứ những người chống lại Diệm. Chính vì vậy, đế quốc Mỹ đã cầm đầu cho Diệm tiêu diệt phe Nguyễn Văn Hinh, phe Ba Cụt và nhiều phe khác nữa, gây nên tình trạng rối loạn ở miền Nam Việt Nam.

Còn như “phương pháp xây dựng quân đội Bảo Đại theo kiểu đã tiến hành ở Phi Luật Tân” thì ai cũng rõ đó là đế quốc Mỹ muốn lập lại những đội quân cơ động như ở Phi Luật Tân thọc sâu vào các vùng nông thôn, làm nhiệm vụ “quét sạch, đốt sạch, giết sạch” để uy hiếp tinh thần nhân dân, bắt nhân dân phải cúi đầu theo Mỹ và theo Diệm, không được bỏ phiếu lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình trong cuộc tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất năm 1956. Ra lệnh cho Ngô Đình Diệm phải gấp thành lập quốc hội bù nhìn chính là thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ mưu phá hoại việc thống nhất nước Việt Nam đặng duy trì tình trạng chia sẻ mãi mãi, mặc dù chín nước ở Hội nghị Giơnevơ đã cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của nước Việt Nam.

Đế quốc Mỹ cũng đang xúc tiến biến hai nước Cao Miên và Lào thành thuộc địa và căn cứ quân sự Mỹ. Theo những tin tức ở Băng Cốc thì những vũ khí đế quốc Mỹ chở tới Thái Lan, một phần sẽ dành cho Cao Miên và Lào. Hiện đế quốc đang bắt phản động Thái làm nhiều đường chiến lược ở sát biên giới Miên, Lào. Đế quốc Mỹ không ngừng xúi giục Chính phủ nhà vua Cao Miên và Chính phủ nhà vua Lào phá hoại sự thống nhất tất cả những người công dân Khơme, công dân Lào trong khối quốc gia chung của mỗi nước.

Tiến hành kế hoạch xâm lược để mưu nắm lấy địa vị thống trị ở Đông Dương, đế quốc Mỹ ráo riết tiến hành việc hất cẳng Pháp. Dụ dỗ Pháp ký Hiệp ước Mani, đế quốc Mỹ đã “nắm được đằng chân” thì không ngại ngùng gì mà không “lân đằng đầu”. Hiện nay ở miền Nam Việt Nam cũng như ở Cao Miên, Lào, đế quốc Mỹ ngông nghênh, không thèm đếm xỉa đến Pháp. Phụ họa với thái độ chướng của Côlin, Rátpho khi tới Sài Gòn đã chỉ thị cho Côlin và Ngô Đình Diệm phải “thay những sĩ quan tham mưu Pháp hiện còn trong quân đội Bảo Đại”. Risa, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Hạ nghị viện Mỹ, không ngần ngại đổ lỗi cho Pháp là thủ phạm những vụ lộn xộn hiện nay ở miền Nam. Người ta đã biết rõ ý định của Risa khi y đưa luận điệu ấy ra. Thật ra Risa cũng không giấu giếm vì y đã nói toạc ra rằng: “Muốn cứu vãn tình thế thì việc chỉ huy quân đội phải do Mỹ!”. Pháp nhượng bộ đế quốc Mỹ về chính trị và quân sự cũng chưa làm cho đế quốc Mỹ hài lòng, vì Risa vẫn còn hậm hực tuyên bố: “Pháp đã có vẻ rút lui về phương diện chính trị và hứa không giữ vai trò gì về phương diện quân sự nhưng họ vẫn có mặt bằng việc bỏ vốn kinh doanh”. Lời tuyên bố của Risa nói rõ ý định của Mỹ là phải hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Chính vì vậy nên đế quốc Mỹ đang tìm mọi cách đè đầu cưỡi cổ Pháp ở miền Nam Việt Nam, Cao Miên, Lào và hết sức ngăn cản Pháp lập lại những quan hệ kinh tế và văn hóa với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khi thi hành kế hoạch ấy, đế quốc Mỹ được sự giúp đỡ tích cực của Êly và những phần tử thực dân Pháp phá hoại hiệp định đình chiến. Hiện nay đế quốc Mỹ bắt Quốc hội Pháp phải thông qua mau chóng Hiệp ước Pari cũng chính là để mau chóng gạt Pháp ra khỏi Đông Dương.

Triệu tập Hội nghị Mani, thành lập khối xâm lược Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã liên tiếp có những hành động vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ. Triệu tập hội nghị xâm lược Đông Nam Á ở Băng Cốc lần này, đế quốc Mỹ mưu thi hành mạnh mẽ hơn nữa kế hoạch của chúng phá hoại hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Nhân dân Đông Dương kịch liệt tố cáo âm mưu mới của đế quốc Mỹ và phe lũ. Nhân dân Đông Dương lên án nghiêm khắc khối xâm lược Đông Nam Á. Bảo vệ thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ, nhân dân Việt Nam, Cao Miên và Lào quyết chặn bàn tay xâm lược của đế quốc Mỹ và quyết đẩy mạnh đấu tranh hơn nữa để giữ gìn những quyền dân tộc đã giành được. Cuộc đấu tranh sẽ gay go quyết liệt nhưng phần thắng nhất định về phía nhân dân ta.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 317, ngày 12-1-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.246-249.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.