Trả lời bạn đọc: Ca-ra-si là thủ đô nước Đại Hồi. Hội nghị Ca-ra-si là một cuộc hội họp của khối xâm lược Đông Nam Á do Mỹ cầm đầu. Tuy gọi là “khối Đông Nam Á” nhưng trong 8 nước Hội viên thì:

3 nước là đế quốc thực dân phương Tây: Mỹ, Anh, Pháp.

2 nước phe Mỹ ở châu Úc - là nước Úc và Tân Tây Lan, chỉ có 3 nước ở Đông Nam Á và đều là phe Mỹ: Đại Hồi, Thái Lan và Phi Luật Tân.

Các nước lớn Đông Nam Á như Ấn Độ, Diến Điện, Nam Dương… đều phản đối khối ấy.

Hội nghị Ca-ra-si họp từ ngày 6 đến ngày 8-3-1956. Thường họp kín và bàn những kế hoạch quân sự, nhằm can thiệp vào nội trị của các nước châu Á, và chia rẽ các nước ấy (như đã gây thêm xích mích giữa Ấn Độ và Đại Hồi, Đại Hồi và Áp-ga-ni-xtan).

Mỹ đã ép buộc ba nước Đại Hồi, Thái Lan và Phi Luật Tân tăng cường binh bị, chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy mà nhân dân các nước ấy đã khổ vì thuế khoá nặng nề, tài chính của các nước ấy lâm vào quẫn bách. (Như Đại Hồi phải chi tiêu về binh bị 75% của tổng ngân sách).

Trong hội nghị, các hội viên trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chỉ có một kết quả là lập một bộ tổng chỉ huy và một cơ quan trinh thám ở Băng-cốc.

Tóm tắt những lời bình luận về Hội nghị Ca-ra-si và khối Đông Nam Á:

- Những kế hoạch thảo luận ở hội nghị ấy chỉ có thể làm cho tình hình Đông Nam Á thêm căng thẳng (Báo Sự thật, Liên Xô).

- Sau hội nghị ấy, Ấn Độ càng thấy rõ đế quốc Mỹ là kẻ thù số 1 đe dọa quyền tự do của Ấn Độ (Báo Tự do, Ấn Độ).

- Khối Đông Nam Á đang âm mưu lôi kéo các nước trung lập ở Đông Nam Á vào khối ấy… Nhân dân Đông Nam Á phải luôn luôn cảnh giác (Nhật báo Răng-gun, Diến-Điện).

Nhiều báo chí khác cũng phê phán như vậy. Sau hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ là Đa-lét đã đi đến Thủ đô nhiều nước châu Á, để nói tốt cho khối Đông Nam Á và Hội nghị Ca-ra-si. Khi đến Ấn Độ, Diến Điện, Nam Dương… y đều bị báo chí và nhân dân nguyền rủa.

Thế mà bọn Ngô Đình Diệm vâng lệnh Mỹ đang rắp ranh xin tham gia khối xâm lược Đông Nam Á! Một tờ báo tư sản Mỹ đã viết: “Mỹ đã vũ trang cho miền Nam Việt Nam và đã nặn ra Ngô Đình Diệm… Miền Nam Việt Nam hiện nay chẳng khác gì một xứ “bảo hộ” của Mỹ”.

Vì những lẽ đó, cùng với nhân dân các nước châu Á yêu chuộng tự do, độc lập, nhân dân Việt Nam ta phải nâng cao cảnh giác, phải đoàn kết nhất trí, phải đấu tranh chống khối xâm lược Đông Nam Á, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, phải ra sức ủng hộ năm nguyên tắc chung sống hòa bình.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 750, ngày 23-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.