Giặc Pháp muốn dùng “dân chủ” giả hiệu cũng như “độc lập” giả hiệu, để lừa bịp nhân dân ta, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới.

Đồng thời chúng muốn tô son điểm phấn cho bù nhìn, để nâng cao “danh giá” của bù nhìn. Vì lẽ đó, tháng 10 vừa qua, chúng đã bày trò hề “hội nghị đại biểu toàn quốc”.

Bọn hề ấy chỉ từ trong xó các vùng tạm bị chiếm mà rúc lên, chúng đã dùng lậu chữ “toàn quốc”.

Chúng (do bọn ngụy quyền chỉ định) là những tên đê hèn nhất trong bọn đê hèn, chứ chẳng “đại biểu” cho ai hết.

Chúng đã cả gan rêu rao là chúng “đại biểu” cho nhân dân Việt Nam.

Nhưng “trâu buộc ghét trâu ăn” (Trong hai ngày, chúng chén hết 2.700 cái bánh mì thịt và 5.646 chai rượu các loại).

Những bọn “trâu buộc” là:

Hội Phật giáo bù nhìn,

Phục Quốc hội,

Công hội báo chí bù nhìn,

Đại biểu bù nhìn Trung Bộ,

Hội đồng Thành phố bù nhìn Sài Gòn, Chợ Lớn, Đà Lạt, v.v..

Bọn này đã vạch mặt bọn “trâu ăn” như sau:

“Ủy ban tổ chức” là bọn đầu cơ chính trị, vô liêm sỉ, vô tổ quốc. Nó không dám công bố tên tuổi những tên Việt gian đến dự hội nghị. Tên Trần Văn Hy, “Phó Chủ tịch” hội nghị đã bị người khác tố cáo và bị đuổi ra khỏi hội nghị.

Đại biểu Bắc Bộ đều là bọn Đại Việt.

27 tên “đại biểu” Trung Bộ chẳng đại biểu cho ai cả.

Những đại biểu chỉ là những đảng phái ma trơi, v.v..

Tuy là hề, chúng không dám trắng trợn tuyên bố phản nước, phản dân, mà đã miễn cưỡng đòi: “Việt Nam không tham gia khối Liên hiệp Pháp”. Nhưng sau vài tiếng đồng hồ, chúng lại cải chính ngay.

Dù sao, việc đó đã làm cho thực dân Pháp nổi giận “tam bành”, và bù nhìn Bảo Đại méo mặt.

Trò hề ấy làm cho đồng bào từ trong vùng tạm bị chiếm càng thấy rõ:

- Những chính sách giả dối, lừa bịp của thực dân và bù nhìn.

- Những mâu thuẫn giữa lũ bù nhìn.

- Những mâu thuẫn giữa bù nhìn và thực dân.

- Chỉ có Quốc hội ta là đại biểu thật sự cho nhân dân, và chỉ có kháng chiến, đánh đuổi thực dân và bù nhìn, mới có thống nhất và độc lập thật sự.

C.B.
--------

- Báo Nhân Dân, số 152, từ ngày 6 đến ngày 10-12-1953, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.362-363.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.