Đế quốc Mỹ đang tiến thêm một bước trong kế hoạch xâm lược Đông Nam Á. Hội nghị Băng Cốc do đế quốc Mỹ triệu tập vào ngày 23-2 này nhằm cụ thể hóa hơn nữa tính chất xâm lược của Hiệp ước Mani. Đế quốc Mỹ và phe lũ sẽ bàn việc xây dựng những “lực lượng tác chiến cơ động” và lập bộ chỉ huy thường trực. Hạm đội thứ 7 và không quân của Mỹ sẽ là xương sống của những lực lượng ấy. Kế hoạch này của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng nhằm ráo riết phá hoại hòa bình, chuẩn bị chiến tranh chống các dân tộc ở Đông Nam Á.

Chương trình nghị sự của Hội nghị Băng Cốc ghi rõ là 8 nước phe Mỹ sẽ cùng nhau hợp lực chống “những hành động phiến loạn”. Trong một cuộc hội nghị báo chí ngày 31-12-1954, Đalét, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng bô bô nói bướng rằng phải đàn áp “phong trào hoạt động phiến loạn ở Đông Nam Á”. Aixenhao, tổng thống Mỹ, trong bài diễn văn đọc ở Quốc hội Mỹ ngày 6-1-1955 lặp lại “không những phải đẩy lui một cuộc tấn công của cộng sản mà còn phải đánh bại những hoạt động phiến loạn”. Chúng nói láo rằng tất cả những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi tự do dân chủ chống chủ nghĩa thực dân ở các nước châu Á đều là những “phong trào phiến loạn”, cần phải do đế quốc Mỹ và các nước phe Mỹ ở phương Tây mang quân đến đàn áp! Luận điệu lố bịch này là luận điệu láo xược của bọn xâm lược dùng để ngụy trang âm mưu can thiệp vào nội trị các nước châu Á, ngăn cản nhân dân châu Á vươn lên giành chủ quyền dân tộc, hòng bắt nhân dân châu Á phải mãi mãi làm kiếp ngựa trâu cho chủ nghĩa đế quốc.

Hội nghị Băng Cốc giữa 8 nước trong khối xâm lược Đông Nam Á sẽ dành một phần thời giờ quan trọng để thảo luận vấn đề Đông Dương. Chúng sẽ thảo luận gì? Ngay bây giờ nhân dân Đông Dương và nhân dân châu Á đã biết là chúng sẽ đẩy mạnh việc lập 6 sư đoàn mới do đế quốc Mỹ trực tiếp chỉ huy và huấn luyện. Những đội quân này, chúng gọi là “lực lượng cơ động”. Chúng sẽ đẩy mạnh việc đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam và nhân dân Khmer, Lào, đàn áp những nguyện vọng hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của nhân dân Đông Dương. Chúng gọi những cuộc khủng bố ấy là những “hành động chống những phiến loạn”!

Với những mục đích kể trên, Hội nghị Băng Cốc là một hội nghị quân sự xâm lược do đế quốc Mỹ cầm đầu để phá hoại hòa bình ở Đông Dương, vi phạm hiệp định Giơnevơ, phá hoại hòa bình châu Á. Triệu tập Hội nghị Băng Cốc, đế quốc Mỹ và phe lũ nhằm đẩy mạnh việc tổ chức một hệ thống xâm lược ở phương Đông, đồng thời với việc phát triển một hệ thống tương tự ở phương Tây. Trong bản báo cáo trước Quốc hội Mỹ ngày 6-1, Aixenhao cũng đã nói toạc ra rằng: “Hiệp ước Mani là cùng trong một hệ thống với hiệp ước Mỹ đã ký với Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Nam Triều Tiên, Nhật, Tưởng Giới Thạch”. Cuộc hành trình của Rátpho vừa rồi là để nối liền và củng cố những mắt xích ấy, đặng thắt chặt châu Á bằng một vòng đai sắt.

Tất cả những hành động đó của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng làm cho tình hình châu Á đã dịu đi sau thắng lợi của hội nghị Giơnevơ, lại trở nên căng thẳng.

T.L.

------

Báo Nhân Dân, số 319, ngày 14-1-1955, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.