Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang ráo riết chuẩn bị gây chiến tranh xâm lược châu Âu. Chúng duy trì tình trạng chia sẻ nước Đức, kéo dài sự chiếm đóng Tây Đức, ra sức phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức chính là nhằm mục đích độc ác ấy. Sau khi khối “cộng đồng phòng thủ châu Âu” bị bác bỏ, chúng lập khối “liên minh Tây Âu”, ký hiệp ước Luân Đôn và Pari để xúc tiến vũ trang lại Tây Đức, mài nanh dũa vuốt cho bọn phát xít Đức do Ađênauơ cầm đầu. Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân Trung và Đông Âu đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo đế quốc Mỹ, Anh, Pháp về những hành động liều lĩnh của chúng. Liên Xô đề nghị thành lập khối an ninh tập thể châu Âu, gồm tất cả các nước châu Âu không phân biệt lớn hay nhỏ, và có cả Mỹ tham gia, để bảo vệ hòa bình châu Âu. Bè lũ đế quốc đã cố ý làm thinh trước đề nghị hợp lý ấy của Liên Xô. Cuối tháng 11-1954, Liên Xô và 7 nước dân chủ nhân dân châu Âu đã họp một hội nghị để bàn những phương sách đảm bảo hòa bình và an ninh của mình cũng như hòa bình và an ninh châu Âu. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham dự hội nghị với tư cách quan sát. Liên Xô và các nước tham dự hội nghị đã tuyên bố rằng nếu Mỹ, Anh, Pháp thông qua hiệp ước Pari thì Liên Xô và các nước tham gia hội nghị sẽ bắt buộc phải dùng những biện pháp thiết thực để tăng cường khả năng tự vệ.

Từ đó đến nay, đế quốc Mỹ, Anh, Pháp và bè lũ của chúng không những không giảm hoạt động mà ngày càng dấn sâu vào con đường tội lỗi của Hítle trước đây. Tháng 12-1954, hội nghị khối Bắc Đại Tây Dương thông qua nghị quyết nhằm hợp pháp hóa việc dùng vũ khí nguyên tử và khinh khí. Chính phủ Anh quyết định sản xuất bom khinh khí. Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức… đã dùng mọi thủ đoạn hèn nhất cưỡng ép quốc hội các nước đó thông qua hiệp ước Pari. Những hành động liên tiếp ấy của bọn hiếu chiếu làm cho tình hình châu Âu càng căng thẳng, nguy cơ chiến tranh thêm nghiêm trọng.

Trước tình trạng đó, các nước yêu chuộng hòa bình ở châu Âu không thể khoanh tay ngồi nhìn. Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Mạc Tư Khoa (29-11 - 2-12-1954), Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hunggari, Bungari, Rumani, Cộng hòa Dân chủ Đức, Anbani áp dụng những phương sách cần thiết để ngăn ngừa chiến tranh. Các nước kể trên đã quyết định cùng nhau họp ở Vácxôvi ngày hôm nay, 11-5-1955 để chuẩn bị ký hiệp ước hợp tác về mọi mặt, kể cả mặt quân sự, và thành lập bộ tư lệnh chung. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa có cử đại biểu quan sát tới dự. Hội nghị Vácxôvi nhất định sẽ thắt chặt sự đoàn kết sắt đá của các nước yêu chuộng hòa bình ở châu Âu, tăng cường hơn nữa lực lượng quốc phòng vô địch của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân. Để đối phó với tình thế bất trắc do đế quốc Mỹ và bè lũ hiếu chiến gây ra, Hội nghị Vácxôvi là hành động tích cực của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân kiên quyết chặn chân bọn phát xít mới, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của xứ sở mình, bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân mình, bảo vệ hòa bình châu Âu và hòa bình thế giới. Hội nghị Vácxôvi là một bộ phận nằm trong toàn bộ chính sách bảo vệ hòa bình của Mặt trận hòa bình, dân chủ do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo. Hội nghị Vácxôvi được triệu tập giữa lúc này, là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của hàng nghìn triệu nhân dân thế giới. Nó là một sự đóng góp vô cùng quý báu vào sự nghiệp củng cố hòa bình. Lực lượng quốc phòng của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân không ngừng lớn mạnh là chỗ dựa chắc chắn của nhân loại, là thành luỹ kiên cố ngăn ngừa chiến tranh xâm lược.

Nhân dân toàn thế giới triệt để ủng hộ Hội nghị Vácxôvi và càng thêm hăng hái, dũng cảm nắm lấy vận mệnh của mình, kiên quyết phá tan chính sách gây chiến của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng.

T.L.

------

Báo Nhân Dân, số 434, ngày 11-5-1955, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.