Sự thật ngày càng rõ ràng: Làm ăn tập thể hơn hẳn làm ăn cá thể. Chế độ quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa hơn hẳn chế độ quản lý xí nghiệp tư bản chủ nghĩa. Hoặc nói chung, chủ nghĩa xã hội hơn hẳn chủ nghĩa tư bản.

Nhưng mấu chốt của sự hơn hẳn ấy là ở đâu? Có người nói: "Làm ăn tập thể là đoàn kết, tiến bộ. Làm ăn riêng lẻ là bảo thủ, lạc hậu!" Cũng như có người nói: "Chế độ quản lý xã hội chủ nghĩa là thật sự dân chủ, còn chế độ quản lý tư bản chủ nghĩa là độc đoán, bạo ngược". Nói như vậy cũng đúng, nhưng mới đúng một nửa.

Dân chủ, đoàn kết, tiến bộ là những điều vô cùng tốt đẹp của chế độ ta. Về các mặt đó, chế độ ta, dù có khuyết điểm, căn bản vẫn tốt hơn chế độ cũ ức, triệu lần. Nhưng nếu chỉ có như thế, thì thật chưa đủ để chủ nghĩa xã hội hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Cái làm cho chủ nghĩa xã hội đánh bại hoàn toàn được chủ nghĩa tư bản là năng suất lao động.

Chủ nghĩa xã hội có thể tạo ra năng suất lao động mới ngày càng cao, mà chủ nghĩa tư bản không thể có được. Dân chủ, đoàn kết, tiến bộ… đều phải dẫn đến năng suất mới. Hợp tác hóa nông nghiệp và thủ công nghiệp là để đạt tới năng suất mới. Cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp, công trường cũng là để tạo ra năng suất mới. Nói gì thì nói, chưa có năng suất mới, thì chưa thật là "hơn hẳn". Cho nên, trong hoạt động của mỗi hợp tác xã, mỗi xí nghiệp, công trường, nông trường quốc doanh, chúng ta hãy kiên quyết giảm bớt những cuộc bàn cãi suông, xem chừng không bổ ích mấy. Hãy dồn sức vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn để không ngừng nâng cao năng suất lao động.

Năng suất cao - tích lũy cao - sản xuất cao - đời sống cao. Đó là con đường tiến lên không ngừng của chúng ta.

C.K.

----------------------

Báo Nhân Dân, số 2162, ngày 18-2-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.