Bà con ta thường nghe nói ở Phi Luật Tân có quân du kích gọi là Húc (HUK), nhưng không hiểu Húc là thế nào? Một người bạn Phi Luật Tân nói cho tôi biết:

Hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, du kích Húc chống Nhật. Mỹ muốn kéo họ, song họ không nghe. Ngày nay, Húc chống lại chính phủ bù nhìn Phi Luật Tân do Mỹ đỡ đầu.

Kỷ luật Húc rất nghiêm, họ phát triển ngày một nhanh. Tháng 9-1950, họ có 3.600 cán bộ và 11.000 đội viên. Họ định đến tháng 9-1951 thì sẽ có 56.000 cán bộ, 172.000 đội viên và 2.500.000 người cảm tình.

Húc thường tấn công ban đêm và với một số quân từ 20 đến 500 người, tùy theo cuộc tấn công to hay nhỏ, khó hay dễ. Họ rất thuộc địa thế, nên hành quân rất mau lẹ.

Húc được công nhân, nông dân, thanh niên và học sinh nhiệt liệt ủng hộ. Có một số quan lại bù nhìn cũng cảm tình với Húc. Bọn này thường tránh đi một nơi khác khi Húc sắp tấn công vào địa phận của chúng.

Húc tuyên truyền thật thà. Họ nói với dân: “Chúng tôi không hứa mang lại cho đồng bào những sự xa xỉ. Song chúng tôi đảm bảo thực hiện một đời sống tốt đẹp hơn, trên nền tảng lao động...”.

Mỹ tổ chức “Liên đoàn chống Cộng” ra sức tuyên truyền chống Cộng, giúp chính phủ bù nhìn Phi Luật Tân tiêu diệt Húc, nhưng kết quả chỉ làm cho Húc ngày càng phát triển thêm.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 21, ngày 16-8-1951, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.