Là một tỉnh mà trong thời chiến tranh đã bị thiệt hại rất nhiều. Địch càn quét và ném bom giết chết nhiều người, đốt cháy nhiều nhà, bắn nhiều trâu bò, phá hoại nhiều ruộng lúa. Sau địch họa, tiếp đến thiên tai. Trận lụt tháng 8 năm ngoái làm hư hỏng ngót 1 vạn mẫu ruộng. Kế đến hạn hán.

Bọn địa chủ phản động lại gây thêm tai họa. Chúng tháo cống, phá lúa, chặt ngô.

Chúng gây ra trộm cắp, phao tin nhảm làm cho nhân dân hoang mang. Trong lúc đồng bào thiếu ăn, bọn địa chủ nỡ lòng phá hoại thóc lúa; như địa chủ Xiêm đã chôn 260 thùng thóc, cố ý để cho mục nát!

Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, cán bộ đã kiên nhẫn hướng dẫn đồng bào, đồng bào đã tin tưởng làm theo cán bộ, ra sức sản xuất tự cứu, tự lực cánh sinh.

Đồng bào đã tự giúp đỡ lẫn nhau: 6 tấn gạo, 294 tấn ngô, 731 tấn thóc, 88 triệu đồng.

Bộ đội đã dành dụm để giúp nhân dân 65 tấn gạo.

Chính phủ giúp 1.100 tấn gạo và 14 vạn thước vải.

Đồng bào Hưng Yên đã khéo dùng cái vốn ấy để tăng gia sản xuất: đã đào 49 cây số ngòi, tưới cho 3 vạn mẫu ruộng, cấy 8 vạn 4.590 mẫu chiêm (hơn năm ngoái 6.000 mẫu) và hơn 4 vạn 3.000 mẫu mầu.

Với lực lượng và quyết tâm của mình, Hưng Yên đã vượt qua nạn đói. Nhưng không chủ quan, đồng bào Hưng Yên vừa gặt chiêm, vừa ra sức trồng thêm hoa mầu, quyết không để cho vụ đói tháng 8 xảy ra.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 477, ngày 23-6-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.5-6.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.