Xanhxia là một trường học đào tạo sĩ quan cho quân đội Pháp. Hầu hết học trò trường ấy đều là “con cha cháu ông”. Đầu năm nay có một lớp học lấy tên là lớp “Điện Biên Phủ”.

Phải chăng họ lấy tên ấy để kỷ niệm cuộc thất bại đau đớn của quân đội thực dân Pháp? Hay là để làm cho các sĩ quan Pháp ghi nhớ rằng: nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ Tổ quốc mình, chứ không phải xâm lược Tổ quốc người khác?

Tháng 6 vừa qua, nhân dịp có một lớp tốt nghiệp, tờ nội san của lớp ấy đăng một bài xã luận có mấy câu như sau:

“Trước gương mẫu và sự đau khổ của những người đàn anh ấy (tức là những sĩ quan đã chết ở Điện Biên Phủ), chúng ta sẽ không nói gì. Chúng ta chỉ khóc họ, và giữ sự im lặng của những người đồng chí (tức là những sĩ quan mới tốt nghiệp) thề quyết trả thù cho họ trong những cuộc chiến đấu sau này mà chúng ta sẽ giáp mặt với kẻ thù của họ”.

Tên iêng hùng rơm viết bài xã luận ấy thật là ngốc. Điện Biên Phủ là kết quả của 8, 9 năm chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Quân đội thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hơn 466 nghìn tên, mất hơn 130 nghìn súng các cỡ, và tốn hơn 3 triệu đồng tiền. Chung quy là quân và dân Việt Nam đã thắng lợi hoàn toàn, mà thực dân Pháp thì tiền mất tật mang, lại bị Mỹ - Diệm hất cẳng. Thế mà bọn iêng hùng rơm còn tập tễnh!

Nếu tên iêng hùng rơm kia khao khát chiến đấu, nó không phải đi xa, nó sang Angiêri cũng đủ cho nó “chiến đấu”.

Hiện nay thực dân Pháp đã phái sang Angiêri hơn 20 vạn binh sĩ mà không làm gì nổi 3.000 nghĩa quân Angiêri. Rất có thể lại có một Điện Biên Phủ ở xứ ấy.

Dù sao, chúng ta không vơ đũa cả nắm. Chúng ta biết rằng nhiều sĩ quan và binh sĩ Pháp là những người biết điều, không điên rồ như tên iêng hùng rơm kia; những cuộc biểu tình rầm rộ của binh sĩ Pháp chống chiến tranh ở Bắc Phi, đã chứng tỏ điều đó.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 649, ngày 12-12-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.