Vấn đề Xuy-ê không chỉ quan hệ riêng với nhân dân Ai Cập, mà quan hệ chung đến các dân tộc Á-Phi. Đó là một cuộc thử thách giữa chủ nghĩa đế quốc và quyền độc lập của các dân tộc.

Chúng ta nên chú ý mấy điểm này:

1- Kênh Xuy-ê là của Ai Cập. Ai Cập có quyền quốc hữu hóa nó, không ai có quyền can thiệp.

2- Kênh của Ai Cập, nhưng trước đây lại do một nhóm đại tư bản Anh-Pháp làm chủ. Như năm 1955, trong 64 triệu đô-la tiền lãi thì Pháp lấy 37.500.000, Anh lấy 23.500.000, Ai Cập chỉ được vẻn vẹn 3 triệu!

3- Mỹ phản đối Ai Cập quốc hữu hóa con kênh của Ai Cập, nhưng Mỹ lại nói Mỹ có quyền sở hữu con kênh của nước Panama. (Kênh này chỉ dài bằng nửa kênh Xuy-ê, mà các tầu phải nộp tiền cước đắt gấp hai cho Mỹ).

Từ ngày Ai Cập quốc hữu hóa kênh Xuy-ê, các nước đế quốc đều rất chấn động. Đầu tiên, chúng khai hội ở Luân Đôn, có 22 nước đến dự. Chúng dùng lực lượng quốc tế để áp bức Ai Cập. Đồng thời, Anh và Pháp thì điều binh khiển tướng dọa đánh Ai Cập (ngoài lục quân và không quân, còn có hơn 70 chiếc tàu chiến). Chúng rút hết những người hoa tiêu, hòng làm tê liệt kênh Xuy-ê. Chúng bao vây kinh tế Ai Cập. Chúng dùng một lực lượng chính trị, quân sự và kinh tế, hòng đập bẹp Ai Cập.

Nhưng Ai Cập ngang nhiên không sợ hãi, vì nó có chính nghĩa, vì toàn dân kiên quyết ủng hộ Chính phủ, vì được nhân dân thế giới ủng hộ. (Ví dụ: 6 triệu đảng viên của Công đảng Anh cũng chống chính sách vũ lực của Chính phủ Anh-Pháp).

Núi to đẻ ra chuột nhắt

Trong 22 nước dự hội nghị Luân Đôn, thì 4 nước (Xô, Ấn, Nam Dương, Xây Lan) kiên quyết chống chính sách Mỹ-Anh-Pháp.

Còn lại 18 nước khai hội lần thứ 2 để tổ chức một công ty, hòng giành quyền quản lý kênh Xuy-ê của Ai Cập, thì lại có 3 nước không tham gia công ty, và 7, 8 nước thì tham gia với những điều kiện bảo lưu.

Bình luận cuộc hội nghị đó, hãng thông tin AIR viết: “Nghị quyết ở hội nghị là một thất bại cho Anh-Pháp, một thắng lợi cho Ai Cập”. Báo chí Mỹ thì mỉa mai: “Kết quả của hội nghị thứ hai là “Quả núi to đẻ ra một con chuột nhắt”.

Khối đế quốc rạn vỡ

Các báo Anh trách Mỹ chơi “ba que”: Để ru ngủ nhân dân mình, Chính phủ Mỹ nói vấn đề Xuy-ê không nghiêm trọng lắm. Để lừa gạt nhân dân Ai Cập. Chính phủ Mỹ trách Anh-Pháp là đế quốc chủ nghĩa. Để giật giây Anh-Pháp, Chính phủ Mỹ hứa ủng hộ hai nước ấy đến cùng. Đồng thời, Mỹ tìm cách hất cẳng Anh, Pháp ra khỏi vùng dầu lửa ở Cận Đông, để bán dầu lửa Mỹ cho Anh, Pháp và làm cho hai nước ấy càng phụ thuộc vào Mỹ hơn nữa.

Chính phủ Anh buộc lòng phải theo Mỹ. Nhưng báo chí Anh thì cực lực oán trách Mỹ: “Mỹ phá hoại sự thống nhất của phương Tây… Anh không cần Mỹ dạy khôn… Ở Đài Loan, Mỹ không phải đế quốc chủ nghĩa là gì?...”

Thủ tướng Pháp đã thốt ra lời chua chat: “Pháp đau lòng và lo ngại vì sự chia rẽ giữa các nước đồng minh…”. Các báo tư sản Pháp đều bi quan. Báo Phi-ga-rô nói: “Hội nghị lần thứ hai đã thất bại một cách thảm hại”. Báo Du kích nói: “Đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của các nước phương Tây”. Báo Chiến đấu nói: “Hội nghị ấy đã bộc lộ sự bất lực của khối Bắc Đại Tây Dương…”.

Không những thế, mà còn bộc lộ sự yếu ớt của khối quân sự Bát-đa và khối xâm lược Đông Nam Á. Vì các nước trong hai khối này cũng mâu thuẫn nhiều về vấn đề Xuy-ê.

Khối hòa bình sẽ thắng

Anh, Pháp ra vẻ hung hăng lắm, nhưng sự thật thì không dám đánh Ai Cập, vì nhiều lẽ:

Nhân dân Ai Cập đoàn kết nhất trí. Các nước A-rập kiên quyết ủng hộ Ai Cập. Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước khác trong phe hòa bình và hầu hết các nước Á-Phi đều ủng hộ Ai Cập. Nhân dân Anh, Pháp cũng phản đối dùng vũ lực… Như tờ báo tư sản Mỹ Diễn đàn Nữu-Ước viết: “Nếu Anh, Pháp dùng vũ lực, thì khắp các nước A-rập sẽ nổi lên một phong trào du kích. Các nước phương Tây sẽ mất chiến dịch nhất định thất bại, một Điện Biên Phủ thứ hai…”.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 951, ngày 12-10-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.