Về đạo đức cách mạng, công nhân Trung Quốc đã tiến bộ đến chỗ thực hiện tinh thần chí công vô tư, mọi việc đều nghĩ đến 600 triệu nhân dân, đều đặt lợi ích chung của Nhà nước lên trên lợi ích riêng của cá nhân và của gia đình mình. Như vừa rồi, công nhân 37 xí nghiệp ở Thành Đô đã đưa vấn đề “phúc lợi” ra bàn. Họ thấy nhiều khoản phúc lợi không hợp lý như: công nhân không phải trả tiền hớt tóc, không phải trả tiền gửi con ở vườn trẻ, không phải trả tiền dùng than của mỏ, làm kíp đêm được phụ cấp, v.v..

Họ nói: Hớt tóc, gửi con, v.v., là việc riêng của mỗi người, mà Nhà nước phải lấy tiền ngân sách chung ra trả; công nhân là người chủ nước nhà, không nên làm như thế. Còn làm kíp đêm thì nghỉ làm kíp ngày, và luân phiên một tháng ai cũng làm độ sáu kíp đêm, không lẽ gì mà phụ cấp; vả lại trả phụ cấp thì phải tăng giá thành, như thế không lợi cho Nhà nước, cũng không lợi cho nhân dân.

Tính đổ đồng, mỗi người một tháng được hưởng độ ba, bốn đồng về phúc lợi. Tổng số công nhân Trung Quốc là hơn 12 triệu người. Mỗi năm Nhà nước phải tốn hơn 575 triệu đồng cho những phúc lợi không hợp lý. Với số tiền đó, Nhà nước có thể xây mấy xí nghiệp thật to, hoặc sáu, bảy cái cầu như cầu Trường Giang...

Dùng cách phóng tay phát động quần chúng, viết báo chữ to, đối chiếu sự thật, so sánh đời sống trước ngày giải phóng với đời sống hiện nay... Do đó, mọi người đều thấy rõ sự quan hệ giữa cá nhân với tập thể và Nhà nước, quan hệ giữa cải thiện đời sống với phát triển sản xuất.

Sau một tháng thảo luận sôi nổi, công nhân Thành Đô đã trả lời: “Chúng tôi muốn có thêm mấy nhà máy lớn, mấy cầu Trường Giang, chứ không muốn hưởng những khoản phúc lợi không hợp lý”.

Phong trào ấy lan khắp các xí nghiệp Trung Quốc. Công nhân đã tự nguyện, tự giác bỏ những phúc lợi không hợp lý.

Về công nghiệp, một kinh nghiệm rất mới và rất hay của Trung Quốc là: Kết hợp những xí nghiệp vừa và nhỏ của địa phương và của nhân dân với xí nghiệp to của Nhà nước.

Hiện nay, từ các tỉnh đến các hợp tác xã nông nghiệp đã xây dựng rất nhiều xưởng hạng nhỏ và hạng vừa, phần lớn những xưởng ấy đều để phục vụ nông nghiệp.

Nguyên tắc xây dựng các xưởng ấy cũng là “cùng biện pháp, thổ kỹ sư”, và “cứ lên ngựa đã, rồi sẽ quất roi”, nghĩa là làm được thế nào cứ cố gắng làm, rồi sẽ phát triển dần dần.

Có những xưởng do huyện làm, có những xưởng do hương và hợp tác xã nông nghiệp làm. Có những xưởng do huyện cùng với hương hoặc hương cùng với xã làm chung.

Hiện nay, các địa phương đang xây dựng hơn 500 xưởng lọc dầu quy mô vừa và nhỏ mỗi năm có thể sản xuất từ 300 đến 3.000 tấn. Tiền vốn xây dựng nhiều nhất là 75.000 đồng (một huyện với 20 vạn nhân khẩu, thì mỗi người chỉ góp bốn hào là đủ vốn); ít nhất là 120 đồng. Sản xuất trong vài ba tháng là đủ bù lại vốn. Ngoài các thứ dầu, một xưởng nhỏ mỗi năm sản xuất độ 300 tấn, còn thu được 55 tấn phân hóa học, giúp cho nông nghiệp tăng sản lượng hơn 150 tấn lương thực.

Lịch sử các xưởng nhỏ rất có thú vị. Xưởng đồng của huyện Giang Ninh (tỉnh Giang Tô) chỉ mất 4 đồng tiền vốn, mỗi tháng sản xuất 5 tấn.

Xưởng dầu của khu Nghi Tân (tỉnh Tứ Xuyên) dùng ống đất thế cho ống sắt, bễ thụt thế cho máy quạt, chỉ tốn 120 đồng là thiết bị xong; và đã sản xuất xăng cho xe hơi, dầu thắp đèn, dầu lau máy, v.v.. Nghi Tân đang chuẩn bị lập thêm mười xưởng như thế nữa.

Năm sau, các xưởng dầu hạng vừa và hạng nhỏ sẽ sản xuất 1 triệu 20 vạn tấn, tức là bằng 80% tổng số dầu Trung Quốc đã sản xuất trong năm 1957.

Các tỉnh như Hà Nam, Sơn Đông, v.v., đã lập xong hơn 1.000 lò đúc sắt. Những nơi như Cam Túc và Mông Cổ trước đây không có công nghiệp gì, nay cũng đã lập mấy trăm cái lò. Lò nhỏ độ ba thước khối, lò vừa 255 thước khối.

Năm nay, những xưởng ấy sản xuất hơn 4 triệu tấn sắt.

Năm sau sẽ sản xuất 20 triệu tấn.

Những lò ấy cộng lại, sản lượng sẽ nhiều bằng 40 xưởng đúc sắt to, mỗi xưởng hơn 1.000 thước khối.

Khu Lạc Sơn (Tứ Xuyên) chỉ tốn 700 đồng tiền vốn và bảy ngày xây dựng, đã lập xong một lò nhỏ, mỗi năm sản xuất 400 tấn.

Sau đây là vài con số xưởng nhỏ và xưởng vừa:

Đến cuối tháng 5-1958, tỉnh Thiểm Tây đã có hơn hai vạn xưởng vừa và nhỏ. Hơn một vạn xưởng chạy bằng sức người, một vạn xưởng thì dùng chút ít máy móc.

Tỉnh Hà Bắc có hơn 68.100 xưởng. Trong số đó, 14.097 xưởng làm nông cụ, còn các xưởng khác thì đúc sắt, làm điện, xi măng, đồ hộp, phân hóa học, v.v. và 217 mỏ than nhỏ.

Những huyện như huyện Phong Lăng (Hồ Nam) đã có 1.988 xưởng.

Huyện nhỏ như huyện Sơn Đan (Cam Túc) cũng đã có 11 xưởng của huyện, 14 xưởng của hương, 37 xưởng của hợp tác xã nông nghiệp. Họ sản xuất giấy, xi măng, đồ gốm, gạch chịu lửa, v.v.. Họ cũng có lò đúc sắt nhỏ. Những mỏ than nhỏ của huyện mỗi năm có thể sản xuất 30 vạn tấn, giá thành mỗi tấn rẻ hơn than quốc doanh 10 đồng (15.000 đồng ngân hàng ta).

Các địa phương có 200 lò đúc gang hạng nhỏ và hạng vừa, sản lượng phát triển như sau:

Năm 1952: non 135 vạn tấn,

Năm 1957: 524 vạn tấn,

Năm 1958: 700 vạn tấn,

Năm 1959 sẽ sản xuất 1.000 vạn tấn.

Một việc rất mới nữa là huyện tự làm lấy xe lửa.

Vu Huyện (Sơn Tây) là một nơi nhiều núi đồi, trước đây không có công nghiệp gì. Năm nay, nhờ chỉnh phong và do sự lãnh đạo của huyện ủy, nhân dân đã khai thác 307 mỏ than nhỏ, mỗi ngày sản xuất 1.000 tấn. Vấn đề vận tải đặt ra cấp bách. Nếu xe hơi thì phải mua 400 chiếc, tốn tiền nhiều quá. Nếu xe bò (hoặc xe ngựa), thì sẽ tốn rất nhiều sức người và súc vật, mà đường giao thông trong huyện sẽ bị xe bò chiếm hết.

Bí thư huyện ủy (đồng chí Trương Nhuận Hòe, là một chiến sĩ lao động, trình độ văn hóa chỉ đến tiểu học, xưa nay chưa hề làm máy móc gì), đề nghị đắp một con đường xe lửa dài 1.500 thước, để tạm giải quyết vấn đề vận tải.

Đề nghị ấy được huyện ủy tán thành và nhân dân ủng hộ.

Nền đường thì do 280 cán bộ trong huyện xung phong đắp.

Đường ray thì do anh em thợ rèn phụ trách đúc, mỗi đoạn chỉ dài hơn một thước.

Đầu xe và toa xe thì mua rẻ đồ cũ của Sở xe lửa, đưa về sửa chữa lại.

Xe chạy thử thành công. Nếu móc vào bảy toa, thì mỗi chuyến có thể chở 40 tấn. Huyện đang chuẩn bị đặt thêm 23 cây số nữa, vì sản xuất than ngày càng phát triển, thì vận tải cũng phải phát triển thêm.

TRẦN LỰC

--------------------------

Báo Nhân Dân, số 1582, ngày 12-7-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.