Hội nghị lần thứ 3 của đại biểu toàn thành Hà Nội đã thu được kết quả tốt. Đại biểu các tầng lớp nhân dân đã bàn bạc sôi nổi, thẳng thắn phê bình, bày tỏ nhiều ý kiến thiết thực và xây dựng. Việc đánh giá kết quả của hội nghị càng chứng tỏ nhân dân ta tiến bộ nhiều về mặt chính trị. Thí dụ:

- Chị Nguyễn Thị Quyền, công nhân gương mẫu ở Nhà máy Gia Lâm nói:

“… Nhưng một số ý kiến còn nặng về quyền lợi cá nhân, nghề nghiệp, cục bộ, mà quên kết hợp quyền lợi riêng của mình với quyền lợi chung của dân tộc; chỉ thấy những khuyết điểm chi tiết mà không thấy những khó khăn cần phải khắc phục; như thắc mắc về việc thuế, mậu dịch, y tế, mà không thẩy rõ nước ta cần phải xây dựng cả một nền kinh tế mới. Xây dựng mới, thì không tránh khỏi khó khăn. Như thắc mắc về việc hộ khẩu, nhưng không thấy rõ âm mưu địch hòng phá hoại an ninh trật tự của ta.

Nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách toàn diện, thì lúc nào cũng tin tưởng để đem tài sức của mình góp vào công cuộc đấu tranh cách mạng”.

- Anh Lê Văn Mai, đại biểu nông dân xã Thuỵ Phương nói:

“Trong thành công chung, vẫn còn vài khuyết điểm, như: Đòi hỏi ở đoàn thể và Chính phủ quá nhiều, mà không thấy rõ nhiệm vụ đóng góp của mình và hoàn cảnh chung của xã hội. Ở nông thôn cũng có những thiếu sót như vậy. Thí dụ trong tổ đổi công còn có một số ít bà con muốn góp phần ít mà được hưởng nhiều, nghĩ đến quyền lợi riêng của mình hơn nghĩ đến quyền lợi chung của tập thể. Đối với cuộc đấu tranh chính trị phải “lâu dài, gian khổ”, cũng có người nhận thức chưa đầy đủ…”.

Những lời so sánh ấy, rất đúng. Nhân dân thành khẩn phê bình cán bộ, chính quyền và đoàn thể - Như thế là tốt. Nhưng nhiều người còn xem nhẹ tự phê bình - như thế là mới dùng một nửa quyền dân chủ của mình.

Những lời so sánh ấy cũng làm chúng ta thấy: Nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và Mặt trận là phải tăng cường giáo dục, phải làm cho mỗi một người công dân đều nhận rõ mình là người chủ của nước nhà, của thủ đô; đối với mọi vấn đề mình phải có thái độ đúng đắn của người chủ, nghĩa là phải kết hợp lợi quyền riêng của mình với lợi quyền chung của dân tộc. Khi đòi hỏi chính quyền và đoàn thể làm gì cho mình, thì cần tự hỏi trước - mình phải làm gì cho ích quốc lợi dân. Khi nêu rõ những khuyết điểm và khó khăn, thì cũng nên đề ra cách sửa chữa hợp tình hợp lý.

Mọi công dân đều làm tròn nhiệm vụ của người chủ, thì chúng ta chắc chắn tiến bộ không ngừng.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 892, ngày 13-8-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.