Mỗi tháng, báo Nhân Dân nhận được hàng nghìn thư của bạn đọc từ các nơi gửi đến. Hầu hết là thư góp ý kiến về công việc chung, thư hỏi việc riêng chỉ là số ít. Thật là một điều mới mẻ và tốt đẹp.

Đáng chú ý nhất là loại thư phê bình những việc lãng phí của công và góp ý kiến về cách tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, tiền vốn của Nhà nước. Người viết những thư ấy là ai? Phần đông là những người lao động bình thường, những chiến sĩ trong quân đội, những cán bộ, nhân viên giữ chức vụ "không quan trọng lắm"... Có người đi đường, thấy thóc rơi, gỗ mục mà không yên tâm. Có người cầm hộp diêm, nhìn tấm biển, thấy có chỗ còn tiết kiệm được hơn nữa, nên mới lên tiếng. Rõ ràng là không phải vì lợi ích riêng mà họ nói. Có lần, một bạn đọc mua một gói thuốc lá loại rẻ tiền, về mở ra thấy bên trong toàn là thuốc loại đắt. Chẳng những không vui mừng mà còn băn khoăn, thắc mắc về sự lãng phí của nhà máy thuốc lá, bạn đó liền viết thư cho báo Đảng và gửi kèm theo cả bao thuốc lá còn nguyên cả 20 điếu.

Trong nhân dân ta, đã có những người quan tâm đến việc giữ gìn của cải chung như vậy, thật là một điều đáng quý. Họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm tròn trách nhiệm. Nhưng nhìn chung, thì trên mặt trận này, vòng vây của chúng ta chưa xiết chặt lắm! Vì vậy của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị bọn tham ô đục khoét mất một phần khác.

Xtalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rớt lại của xã hội cũ - cái xã hội thối nát, trong đó bọn ăn cắp, bọn sống bám... lại được coi là những kẻ "khôn ngoan nhất đời".

Làm thế nào để trừ cho hết những thứ ấy và không để một khe hở nào cho của cải dành dụm của chúng ta lọt ra ngoài? Bắt giam hết bọn ăn cắp ấy ư? Trừng phạt chúng thật nặng ư? Việc đó không phải chúng ta không làm. Nhưng điều quan trọng nhất - như Xtalin đã nói - vẫn là phải "gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức". Phải không còn một ai vỗ vai, gượng nhẹ với chúng nữa! Có như vậy, mới ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công và mới bảo vệ được tích luỹ của chúng ta.

C.K.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2155, ngày 11-2-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.468-469.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.