Toàn dân ta đang ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu kiên quyết, để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhưng vẫn có một số ít người vì muốn làm tiền bất nghĩa mà đành lòng lãng phí lương thực để nấu rượu trái phép. Thật là xấu xa!

Ngày 27-10-1966, Nhà nước ta đã ban bố lệnh cấm nấu rượu trái phép. Việc đó rất hợp với ý nguyện của nhân dân.

Nấu rượu lậu chẳng những phạm pháp luật và lãng phí lương thực, mà nó còn đẻ ra nhiều tệ nạn xấu xa khác. Một ví dụ:

Xã L.T. (Kim Sơn, Ninh Bình) vốn có truyền thống anh dũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau cải cách ruộng đất, hơn 88% nông hộ đã hăng hái vào hợp tác xã. Nhân dân trong xã đoàn kết chặt chẽ, làm ăn cần cù. Nhưng về sau nạn nấu rượu lậu đã làm cho xã ấy kém sút mọi bề. Trước hết, nó làm cho cán bộ hư hỏng, tham ô, lãng phí, quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng, mất tín nhiệm đối với nhân dân. Như:

- Lãng phí. Chỉ trong 14 tháng, cán bộ đã chi 4.435 đồng và 2.609 kilô thóc của công để chè chén trong 146 cuộc họp cán bộ.

- Tham ô. Quỹ của xã thiếu hơn 5.000 đồng mà cán bộ phụ trách tài chính không giải thích được. Cán bộ đã vay nợ 3.555 kilô thóc của xã. Huyện chỉ cho phép bán 18 tấn thóc nghĩa thương, nhưng cán bộ đã bán 25 tấn để chia nhau mua với giá rẻ. Quần chúng phải trả 6 đến 8 hào một kilô, cán bộ chỉ trả 25 đến 33 xu một kilô.

- Không công bằng. Việc phân phối và điều hoà lương thực rất không công bằng. Có hộ bình quân mỗi người một tháng được 50 đến 60 kilô thóc, có hộ thì chỉ được 6 đến 7 kilô.

- Mất đoàn kết. Do thói xấu tự tư tự lợi mà nội bộ mất đoàn kết, cán bộ kéo bè, kéo cánh chèn ép lẫn nhau, đả kích lẫn nhau, tranh nhau quyền lợi và địa vị, v.v..

Nói tóm lại, cán bộ xã L.T. đã bị con ma rượu lậu làm cho lu mờ tinh thần cách mạng, quên hết tư cách đảng viên, cho nên mọi việc đều kết quả xấu: 60% hộ trong hợp tác xã cũng đua nhau nấu rượu lậu. Mỗi tháng lãng phí hơn 7 tấn thóc. Cờ bạc, ma chay, đồng bóng, thói hư tật xấu phát triển không ngừng. Công việc đồng áng bị lơ là. Nhân dân xem thường cán bộ. Quần chúng thắc mắc với nhau. Đời sống văn hóa và vật chất của xã sút kém.

May mà Tỉnh ủy và Huyện ủy đã kiểm tra và giúp đỡ xã L.T. sửa chữa.

Nói chung, cán bộ và nhân dân ta rất tốt. Khi đã biết rằng nấu rượu lậu là xấu xa và phạm pháp thì họ khuyên bảo nhau bỏ nghề ấy ngay. Một ví dụ:

Ở làng Lã (Hà Bắc), từ xưa nấu rượu lậu là một nghề cổ truyền, mọi nhà đều nấu. Mỗi tháng tốn hết 30 tấn gạo. Nhưng đã mấy năm nay, làng Lã đã bỏ nghề đó. Trước hết, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên đi tuyên truyền và thuyết phục từng người, từng nhà, rồi ra sức giúp cho họ có công ăn việc làm, như chỉnh đốn lại hợp tác xã nông nghiệp, biến ruộng một mùa thành hai mùa, như đưa họ đi vỡ hoang, v.v.. Nhờ vậy, từ một làng lạc hậu, đầy rẫy hơi men, làng Lã đã trở thành một làng tiên tiến.

Được như vậy là do đảng viên và đoàn viên đều làm gương mẫu tốt. Cán bộ xung phong đi trước, lôi cuốn đồng bào làm theo.

Việc đồng bào làng Lã đã làm được tốt thì đồng bào những nơi có thói nấu rượu lậu, nhất định cũng làm được.

CHIẾN SĨ

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 4615, ngày 26-11-1966, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.202-204.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.