Từ trước đến mười hai năm gần đây, đồng bào ta đi sang Thái Lan đại khái có mấy đợt:

- Hồi phong kiến, các vua Minh Mạng và Thiệu Trị nhà Nguyễn tàn sát những người theo đạo Thiên Chúa. Nhiều đồng bào Công giáo phải lánh nạn sang Xiêm [1]. Họ ở thành từng xóm, từng làng nho nhỏ, nhiều nhất là gần kinh đô Băng Cốc. Vì ở đã lâu đời, họ theo phong tục tập quán Xiêm, nhưng vẫn nói tiếng Việt và tụng kinh bằng tiếng Việt.

- Sau phong trào “văn thân” và phong trào cách mạng khác bị thất bại, đế quốc Pháp khủng bố dã man. Nhiều người cách mạng cũng tạm lánh nạn sang Xiêm.

- Từ năm 1946, đế quốc Pháp lại gây chiến tranh xâm lược, người Việt chạy giặc sang Xiêm lần này khá đông.

Nói tóm lại: Việt kiều ở Thái Lan đều là nạn nhân của phong kiến và đế quốc.

Kiều bào ta ở Thái Lan đều làm ăn cần cù. Người thì làm ruộng. Người thì buôn bán nhỏ. Người thì làm nghề thủ công. Mọi người đều góp phần làm cho kinh tế Thái Lan thêm thịnh vượng.

Kiều bào ai cũng nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật của nước Thái Lan và ăn ở hoà mục với nhân dân Thái Lan. Vì vậy họ được bà con Thái Lan yêu mến.

Trước đây, chính quyền Thái Lan đối với Việt kiều cũng tử tế. Một ví dụ: Cách đây độ 30 năm, đế quốc Pháp đòi Chính phủ Xiêm cho chúng bắt một người cách mạng Việt Nam tên là N. [2]. Tuy biết rõ N., nhưng vì muốn bảo hộ đồng chí ấy, chính quyền địa phương bèn gọi N. đứng lẫn với một nhóm người Xiêm tuổi tác và hình dáng đều giống hệt N., rồi bảo bọn mật thám Pháp: "Đó, các ông xem ai là N. thì bắt đi...". Nhìn đi, nhìn lại mấy lần vẫn không nhận được N., bọn chó săn Pháp phải quắp đuôi lủi thủi ra về.

Chính quyền địa phương nói với kiều bào ta: "Chúng tôi biết anh em là những người yêu nước, làm những việc yêu nước. Nhưng anh em làm việc phải làm kín đáo, kẻo bọn Pháp can thiệp làm phiền cả chúng tôi, cả anh em...".

Kiều bào ta ở Thái Lan đều thương yêu giúp đỡ nhau và luôn luôn hướng về Tổ quốc. Tôi xin kể vài chuyện:

Cách đây hơn 30 năm, tôi cùng đi với Bác đến Xiêm. Đến đâu, hai bác cháu cũng được kiều bào tiếp đãi vồn vã, nhường áo sẻ cơm. Cố nhiên, họ không biết Bác là ai, chỉ biết là người Việt Nam mới đến đất này, thì họ sẵn sàng giúp đỡ.

Hội "Ái hữu" của Việt kiều thành lập nhằm mấy mục đích: Đoàn kết - đoàn kết giữa Việt kiều với nhau và đoàn kết giữa người Việt với người Xiêm; nhắc nhủ kiều bào yêu Tổ quốc và giúp kiều bào học chữ quốc ngữ.

Để tự túc, cán bộ của hội chia nhau từng nhóm cày ruộng, cưa gỗ hoặc buôn bán nhỏ. Bác cũng phát nương làm xuốn [3] như các anh em khác. Nghe nói đám đất hoang do Bác và cố Tú Ngọ cùng các em thiếu nhi khai khẩn thành cái vườn hiện nay vẫn còn tốt. Hồi đó kiều bào rất tin tưởng vào đoàn thể. Ví dụ như cụ L. bán thịt lợn có vốn liếng khá, đã nói với cán bộ: "Vợ chồng tôi xin gửi mấy đứa con nhờ đoàn thể dạy dỗ để mai sau chúng nó tham gia chống Tây cứu nước. Chúng tôi cũng xin giao cả gia tài tuỳ ý đoàn thể sử dụng. Từ nay vợ chồng tôi tự coi mình như người "làm tài chính" cho đoàn thể...".

Có kiều bào quyên cả nhà cả vườn cho hội làm trụ sở, mình đi làm nhà ở nơi khác.

Có kiều bào quyên ruộng đất cho hội, rồi tự tay mình và động viên kiều bào khác cày cấy gặt hái cho hội để tiêu dùng vào công việc chung, như làm nhà trường, in sách báo và nuôi dạy các em thiếu nhi. Liệt sĩ thanh niên Trọng Con là con một kiều bào ở Thái Lan.

Các em thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan cũng ngoan lắm. Một hôm, một cán bộ ta bị mật thám Tây đuổi bắt. Anh ấy chạy vào một nhà kiều bào. Sau mấy phút mật thám Tây cũng vào theo. Người lớn đi vắng hết, chỉ có một em gái độ 9, 10 tuổi ở nhà, khi thấy bọn chó săn Tây nhớn nhác chạy vào, em G. liền lấy nón úp vào đầu anh cán bộ, vứt một dây thừng vào tay anh và nói một cách giận dữ: "Chú không đi bắt trâu, cứ ngồi ì ở nhà, mẹ về mẹ chửi cho mà xem!". Thế là anh cán bộ ung dung "đi bắt trâu". Còn bọn chó săn Tây thì cụt hứng.

Phải nói thêm rằng: Em bé G. vốn không quen biết anh cán bộ ấy.

Nói tóm lại: Kiều bào ta ở Thái Lan là:

Mình tuy nương náu đất người,

Nhưng lòng yêu nước không nguôi bao giờ!

Và đã làm đúng ý nghĩa câu hát:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước thì thương nhau cùng.

Từ đầu năm nay, mấy vạn kiều bào sẽ lần lượt trở về nước, để đồng cam cộng khổ với chúng ta, để cùng chúng ta thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, góp phần của kiều bào vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Kiều bào ta vẫn biết rằng: Sau nhiều năm chiến tranh tàn khốc, chúng ta còn có nhiều khó khăn, nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ. Nhưng đối với kiều bào thì không gì khổ bằng ngày trước đã không được tham gia kháng chiến đánh Tây, ngày nay lại chưa được tham gia xây dựng Tổ quốc. Vì vậy, lòng ước mong nồng nàn nhất của kiều bào là mau chóng được trở về quê hương, mau chóng được tham gia xây dựng đất nước. Khó khăn mấy kiều bào cũng quyết tâm vượt qua, công việc nặng nề mấy kiều bào cũng vui lòng gánh vác. Kiều bào ta ai cũng nghĩ rằng:

Bấy lâu xa cách nước nhà,

Nay về quê cũ thế là vẻ vang!

Chúng ta thì nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào về nước, vì:

Bao năm ngày đợi đêm trông,

Nay mai sẽ được thỏa lòng nhớ nhung!

V.K.

-----------------

- Báo Nhân Dân, số 2122, ngày 8-1-1960, tr.6.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.421-424.

[1] Nước Xiêm đến năm 1939 đổi tên là Thái Lan (BT).

[2] N: Tức cố Tú Ngọ (BT).

[3]"Vườn" tiếng Xiêm gọi là "xuốn" (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.