Toàn thể đồng bào miền Bắc đang sôi nổi chuẩn bị cho ngày tổng tuyển cử Quốc hội khóa III. Đặc biệt vui mừng là kiều bào mới về nước.

Cụ Lã ở Thái Lan mới về năm ngoái. Trong cuộc họp khu phố, cụ đã nói một cách phấn khởi và cảm động như sau:

“Về đến Tổ quốc, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng, bà con ạ! Khi còn bọn Pháp, ai nói đến yêu nước, nói đến tự do, là bị bắt bớ ngay. Ai còn mơ đến quyền dân chủ và tổng tuyển cử! Năm 1908, đồng bào nông dân mấy tỉnh Trung Kỳ nổi lên chống thuế. Bọn thực dân và vua quan đã bắt bớ và chém giết nhiều người. Chúng gọi là cuộc nổi loạn “tiễn phát đồng bào"[1]. Vì những người đi biểu tình đều cắt tóc ngắn. Sau đó, hễ ai có tóc ngắn đều bị bắt bỏ tù. Tôi cùng mấy anh em nông dân phải chạy trốn sang Xiêm. Lênh đênh đất khách quê người đã hơn 50 năm. Khi ra đi, Tổ quốc là một xứ thuộc địa, mình là một đứa vong quốc nô. Nay trở về, mình là một công dân tự do, Tổ quốc là một nước độc lập. Mừng này biết lấy gì cân! Gần 70 tuổi rồi, lần này là lần đầu tiên tôi mới được cầm lá phiếu bầu đại biểu của mình vào Quốc hội. Sung sướng biết bao! Càng sung sướng thì càng biết ơn Đảng ta, quân đội và nhân dân ta đã hy sinh chiến đấu, đưa cách mạng đến thành công, kháng chiến đến thắng lợi. Và tôi càng tin chắc rằng đồng bào miền Nam ruột thịt sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”.

Các anh, các chị vừa đúng 18 tuổi từ Thái Lan, Tân Đảo và nước Pháp mới về, càng tỏ ra phấn khởi. Cô học sinh Xuân Oanh nói: “Thanh niên Pháp đến 21 tuổi mới có quyền cử tri. Thanh niên ta 18 tuổi đã có quyền đi bầu cử. Tôi từ nước Pháp về, tôi rất tự hào là chế độ ta dân chủ hơn chế độ Pháp. Đến ngày tổng tuyển cử, tôi sẽ dậy thật sớm và đi mời tất cả bà con cô bác trong khu phố đi bỏ phiếu 100%”.

Quốc hội khóa này có hai kiều bào ra ứng cử: ông Đại và chị Thái. Chị Thái mới về nước hơn ba năm nay và đang làm việc ở Nhà máy Dệt thảm len (Hải Phòng).

Chị nói: Khi được Mặt trận giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi rất lấy làm vinh dự và cảm động. Bà con Việt kiều khác khi nghe tin ấy đều vui mừng và nói rằng: Đảng và đồng bào ta rất quan tâm đến Việt kiều về nước. Chỉ có dưới chế độ ta phụ nữ mới được quyền thật sự tham gia bàn việc nhà nước. Vinh dự này là vinh dự chung cho tất cả kiều bào. Nếu tôi được bầu vào Quốc hội, tôi sẽ cố gắng hết sức mình vận động nhân dân thực hiện thật tốt chủ trương và chính sách của Đảng và của Nhà nước.

Mấy nét sơ lược trên đây đủ chứng tỏ tinh thần hăng hái và tấm lòng sung sướng của kiều bào ta trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Tổ quốc yêu quý.

CHIẾN SĨ

---------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3679, ngày 25-4-1964, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.307-308.


[1]. Câu này có nghĩa là: Đồng bào cắt tóc ngắn. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới phong trào cắt tóc ngắn của nông dân Trung Kỳ để phản đối chế độ sưu thuế nặng nề của bọn thực dân phong kiến (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.